Blog
Cách xem bảng giá chứng khoán rất dễ, chỉ cần bạn đọc qua bài viết này.
Nguyên tắc xác định giá giao dịch là “Thuận mua vừa bán” theo cách thức “Đấu giá”, ưu tiên người nào bán thấp và mua cao, khi cung-cầu đồng thuận ở cùng 01 mức giá thì xảy ra giao dịch. Điều này thể hiện rõ trong Bảng giá giao dịch chứng khoán.
Cách đọc bảng giá chứng khoán
Bạn có thể truy cập để xem bảng giá trực tuyến tại đây:
Lần lượt các cột từ trái sang phải nhé:
1/ Mã CK: Đây là cột hiển thị Mã viết tắt của chứng khoán được giao dịch. Nếu chứng khoán là cổ phiếu thì sẽ có 03 ký tự (ví dụ VPB – là cổ phiếu của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, VNM – là mã cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk). Bạn chỉ trỏ chuột vào từng Mã CK thì Bảng giá sẽ hiển thị đầy đủ tên của cổ phiếu đó. Nếu mã chứng khoán có nhiều hơn 03 ký tự (thường là 6 hoặc 8) thì nó là ký hiệu của chứng chỉ quỹ đầu tư, bạn trỏ chuột vào nó cũng hiển thị tên cụ thể.
2/ Giá tham chiếu (được ký hiệu màu vàng): Đây là giá giao dịch cuối cùng của phiên trước đó. Giá tham chiếu giúp Nhà đầu tư tham khảo giá giao dịch ngày hôm trước, đây cũng là cơ sở để xác định giá trần – giá sàn.
Ở Việt Nam áp dụng Biên độ để khống chế biến động của giá cổ phiếu trong ngày, giúp tránh trường hợp tăng giảm quá sốc. Ví dụ ở bên Mỹ, cổ phiếu của Facebook có thể mất giá 20% trong 01 ngày, hoặc mất giá 50% (nếu có tin cực xấu), điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến các cổ đông Facebook và toàn thị trường nói chung.
Ở Việt Nam, giá cổ phiếu chỉ được phép dao động trong khoảng giá Trần-Sàn được quy định ngày hôm đó.
Tại Sở Hồ chí minh: Biên độ là 7%. Nghĩa là cổ phiếu chỉ được phép tăng/giảm không quá 7% so với giá ĐCGN đóng cửa gần nhất.
Tại Sở Hà Nội: Biên độ là 10%
Ví dụ:
- Cổ phiếu VNM (của CTCP Vinamilk) thuộc sàn Hồ Chí Minh có giá ĐCGN là 156.1, thì giá Trần là 156.1+156.1*7% = 167, Giá Sàn là 156.1 – 156.1*7% = 145.2.
- Cổ phiếu AAA (của CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát) thuộc sàn Hà Nội có giá ĐCGN là 10, thì giá trần là 10+10*10% = 11, Giá sàn sẽ là 10-10*10% = 9
3/ Trần ( Giá trần – đây là giá cao nhất mà cổ phiếu có thể tăng trong phiên hôm nay, được tô màu tím).
4/Sàn (Giá sàn – là giá thấp nhất mà cổ phiếu có thể giảm trong phiên hôm nay, được tô màu xanh nước biển).
Giá xanh: Nghĩa là giá đang được giao dịch cao hơn giá Tham chiếu(đóng cửa gần nhất), Giá màu đỏ: giá đang được giao dịch thấp hơn giá tham chiếu.
5/ Dư mua: Bên mua sẽ đứng xếp hàng theo thứ tự ưu tiên Ai mua cao hơn được đứng trước.
Giá 1, KL1: Giá mua cao nhất hiện nay và khối lượng sẵn sàng mua ở mức giá này
Giá 2, KL2: Giá mua cao thứ 02 hiện nay và khối lượng sẵn sàng mua ở mức giá này.
Giá 3, KL3: Giá mua cao thứ 03 hiện nay và khối lượng sẵn sàng mua ở mức giá này.
Chúng Tôi ký hiệu mũi tên theo chiều từ trái sang phải, để minh họa cho thứ tự ưu tiên.
6/ Dư bán: Bên bán sẽ đứng xếp hàng theo thứ tự ưu tiên Ai bán thấp hơn được đứng trước.
Giá 1, KL1: Giá bán thấp nhất hiện nay và khối lượng sẵn sàng bán
Giá 2, KL2: Giá bán thấp thứ 02 hiện nay và khối lượng sẵn sàng bán
Giá 3, KL3: Giá bán thấp thứ 03 hiện nay và khối lượng sẵn sàng bán.
Chúng Tôi minh họa mũi tên theo chiều từ phải sang trái để chỉ rõ thứ tự ưu tiên.
Bây giờ, là phần quan trọng: Bạn tưởng tượng hai mũi tên Dư mua và Dư bán sẽ tiến lại gần nhau, khi hai mũi tên này chạm nhau, nghĩa là Bên mua và Bên Bán gặp nhau, thì sẽ Khớp lệnh, giao dịch được thực hiện, thuận mua vừa bán. Đây là cách thức đấu giá trên thị trường chứng khoán.
7/Khớp lệnh: Giá khớp, Khối lượng khớp, và Tăng/giảm so với giá tham chiếu được hiển thị ở phần cột này.
8/ Các cột nhỏ khác là Tổng khối lượng khớp trong ngày,Khối lượng nước ngoài bán và Khối lượng NDT nước ngoài mua.
Ví dụ:
Quy định giao dịch tại sở giao dịch Hồ Chí Minh (HOSE)
1. Thời gian giao dịch
Khớp lệnh liên tục: Sở giao dịch để hai bên Mua-Bán tự do đấu giá, cung-cầu gặp nhau thì sẽ xảy ra giao dịch luôn. Trực quan, Bạn tưởng tượng hai mũi tên Mua-Bán ở trên tiến vào nhau, hai mũi tên này chạm vào nhau thì sẽ khớp luôn. Như vậy, hình thức khớp lệnh này mang tính thời điểm, nó chiếm phần lớn thời gian giao dịch trong ngày.
Khớp lệnh định kỳ: Sở sẽ tập hợp các lệnh Mua-Bán trong vòng 15 phút để so khớp, xem tại mức giá nào số lượng khớp là cao nhất thì sẽ chọn giá đó. Ở đây, hai mũi tên Mua-Bán sẽ tiến sâu vào nhau, gặp nhau ở nhiều mức giá, song mức giá nào có số lượng khớp nhiều nhất sẽ được chọn. Hình thức này mang tính thời kỳ (vì tập hợp lệnh trong vòng 15 phút), nên nó được dùng để xác định Giá mở cửa và Giá đóng cửa. Giá đóng cửa ngày hôm nay sẽ được dùng làm giá Đóng cửa gần nhất (ĐCGN) của phiên ngày hôm sau.
2. Đơn vị giao dịch và đơn vị yết giá.
Giao dịch khớp lệnh lô chẵn 10 cổ phiếu. Nghĩa là bạn phải mua-bán 10 cổ hoặc bội số của 10 (20, 30,40… 1000, 10 000 …vv).
Đơn vị yết giá: nghĩa là các bước giá. Nếu cổ phiếu dưới 10 000 đồng thì đơn vị yết là 10 đồng; từ 10 000 đến 49 950 đồng thì đơn vị yết là 50 đồng, trên 50 000 thì đơn vị yết là 100 đồng.
3. Lệnh giao dịch
Lệnh ATO: loại lệnh chỉ thị khớp tại giá mở cửa. Khi đặt lệnh này, bạn chỉ thị là khớp luôn cho tôi tại giá mở cửa (khớp giá nào cũng được). Lệnh này được dùng trong thời gian Khớp lệnh định kỳ, và được ưu tiên nhất. Nếu lệnh ATO của bạn được khớp một phần hoặc không khớp, thì phần không khớp sẽ được hủy bỏ khi chuyển sang thời gian khớp lệnh liên tục.
Lệnh giới hạn LO (Limited order): Lệnh này có giá, ví dụ: bạn đặt mua 1000 cổ phiếu Vinamilk với giá 150, thì bạn đặt lệnh LO này đây. Lệnh này diễn giải ra nghĩa là MUA cho tôi 1000 cổ phiếu VNM với giá tối đa là 150 (nếu khớp được giá dưới 150 thì càng tốt nhé); ngược lại nếu bạn đặt BÁN 1000 VNM giá 150 thì diễn giải là BÁN cho tôi 1000 cổ phiếu VNM với giá tối thiểu là 150 (nếu bán được giá cao hơn 150 thì càng tốt, nhưng tối thiểu phải là 150). Lệnh giới hạn LO có hiệu lực trong phiên giao dịch, nếu không khớp thì nó sẽ tự hủy khi hết phiên.
Lệnh thị trường MP (Market Price): Lệnh này được sử dụng trong thời gian khớp lệnh liên tục, không có giá, được ưu tiên khớp trước lệnh Giới hạn. Nói cách khác, nó là lệnh ATO trong thời gian khớp lệnh định kỳ. Khi được nhập vào hệ thống giao dịch, lệnh mua MP sẽ được thực hiện ngay tại mức giá bán thấp nhất và lệnh bán MP sẽ thực hiện ngay tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Nếu khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn chưa được thực hiện hết, lệnh MP sẽ được xem là lệnh mua tại mức giá bán cao hơn hoặc lệnh bán tại mức giá mua thấp hơn tiếp theo hiện có trên thị trường và tiếp tục so khớp.
Lệnh ATC: bản chất như lệnh ATO, nhưng dùng trong thời gian khớp lệnh định kỳ đóng cửa.
4.Thời gian thanh toán
T+2
Nghĩa là hôm nay bạn mua mua cổ phiếu (ngày T+0), thì 02 ngày làm việc sau bạn mới thực sự sở hữu cổ phiếu này (chính xác là đến buổi chiều sau khi hết giờ giao dịch).Phải sang đến sáng ngày làm việc thứ 03 (T+3) kể từ ngày mua (T+0) thì bạn mới có thể bán số cổ phiếu này đi.
Ví dụ: Bạn mua vào thứ 02, đến chiều tối thứ 04 cổ phiếu mới chuyển về tài khoản của bạn, sang thứ 05 thì bạn mới có quyền bán cổ phiếu này.
1 bình luận
Comments are closed.
[…] Xem thêm : Cách đọc bảng giá cổ phiếu […]