Blog
Triết lý thành công của John D. Rockefeller (Phần 2)
- Tháng mười hai 13, 2018
- Posted by: Admin
- Category: Uncategorized
John D. Rockefeller có niềm tin vững chắc rằng: “Quan trọng là phải nhớ điều người khác nói với mình, thay vì điều bản thân mình đã biết”.
Chỉ có những kẻ ngốc mới kiêu hãnh vì tiền bạc
Trong suốt cuộc đời, Rockefeller luôn cần mẫn nuôi dưỡng đức tính khiêm tốn. Ngay từ đầu sự nghiệp, ông đã hiểu quyền lực và sự giàu có dẫn đến sự ngạo mạn và cố gắng không bị “cái tôi” điều khiển.
Khi vị trí ngày càng cao, ông ghi nhớ câu “Trèo cao ngã đau” mỗi ngày. Mỗi đêm, nằm trên giường, ông suy ngẫm về sự bất định của ngành dầu mỏ và sự phù du của thành công, rồi tự nhắc nhở bản thân đừng cao ngạo trước bất kỳ quan niệm ngu ngốc nào.
Dù sau này khi đã trở thành người giàu có nhất nước Mỹ, Rockefeller lại càng trân trọng cơ hội được gặp gỡ mọi người. Rockefeller luôn hứng thú và hiếu kỳ về người khác, bất kể họ thuộc tầng lớp nào. Đi đến đâu ông cũng hỏi han những người ông gặp, và chăm chú lắng nghe điều họ nói.
Trong công việc, ông mong muốn tìm hiểu tất cả mọi người, bất kể cấp bậc cao thấp trong công ty. Qua những chuyến thăm mỏ dầu, người ta đặt cho Rockefeller biệt danh “Ngài bọt biển” vì ông luôn hăng hái quan sát và tiếp thu mọi thông tin về cách mọi thứ vận hành. Ông không chỉ nói chuyện với người giám sát mà còn cả những người thợ khoan dầu nữa.
Khi đi kiểm tra cơ sở vật chất tại Standard Oil, ông luôn hỏi người giám sát xem liệu công việc có thể được cải thiện như thế nào, ghi chú lại những đề nghị của họ vào sổ tay mà ông luôn mang theo bên mình. Rockefeller có niềm tin vững chắc rằng:
“Quan trọng là phải nhớ điều người khác nói với mình, thay vì điều bản thân mình đã biết”.
Trong những cuộc họp ban giám đốc của Standard Oil, Rockefeller không ngồi ở đầu bàn họp mà ngồi giữa những đồng nghiệp. Ông hỏi ý kiến mọi người trước khi đưa ra ý kiến của mình. Ngay cả khi đó, ông đưa ra ý kiến của mình dưới dạng lời đề nghị hoặc câu hỏi. Thay vì bắt mọi người nghe theo mình, ông luôn dùng từ “chúng ta” thay vì “tôi”, khuyến khích sự thỏa hiệp và mong muốn quyết định được dựa trên sự nhất trí. Ông thích quản lý mọi cấp bậc trong Standard Oil một cách chừng mực và cho đồng nghiệp và cấp dưới có quyền tự chủ tối đa
Người kinh doanh với ý tưởng làm giàu sẽ không thành công; bạn phải có một tham vọng lớn hơn thế
Khi còn trẻ, Rockefeller muốn trở nên giàu có, và ông hoàn toàn được thúc đẩy bởi đam mê làm giàu. Nhưng quan trọng là động lực xây dựng doanh nghiệp của ông không chỉ dựa vào tham vọng này, mà còn bởi sự thỏa mãn và các mục tiêu.
Đầu tiên, ông yêu thích công việc của mình, tính chất, sự tự chủ và thử thách mà công việc mang lại. Trong công việc đầu tiên, ông làm việc chăm chỉ từ sáng sớm đến tối mịt không chỉ để gây ấn tượng với sếp mà còn vì công việc thú vị đối với ông. Niềm yêu thích công việc được duy trì bởi một động lực lớn hơn là đơn thuần chỉ để tích góp tiền bạc.
Khi Rockefeller ngày càng thăng tiến, ông làm việc không chỉ vì sự thỏa mãn vốn có, hay để kiếm tiền, mà là hướng đến mục đích lớn hơn. Đầu tiên, ông muốn là người tiên phong cho phong cách kinh doanh mới. Rockefeller có một tầm nhìn và mong muốn xây dựng tương lai bền vững và lâu dài cho ngành dầu mỏ. Mục tiêu của ông chính là một cuộc cách mạng kinh tế mà ông tin tưởng rằng sẽ đem lại lợi ích cho cả quốc gia:
“Tôi không có tham vọng làm giàu. Làm việc chỉ để kiếm tiền chưa bao giờ là mục tiêu của tôi. Tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho đất nước, và tôi muốn góp phần biến đất nước ta tuyệt vời hơn. Tôi có tham vọng xây dựng đất nước.”
Sự giàu có thường là kết quả của quá trình theo đuổi những mục tiêu khác, hơn là từ quá trình thay đổi chính sự giàu có.
Ông xem sứ mệnh vĩ đại nhất đời mình là ổn định ngành công nghiệp, tạo việc làm và hạ giá dầu, giá xăng để phần lớn người dân có thể chi trả và sử dụng.
Ngoài ra, mục đích xây dựng đế chế công nghiệp của Rockefeller còn thể hiện qua việc càng có nhiều tiền, ông càng quyên góp nhiều. Trong năm đầu tiên làm kế toán, mặc dù tiền lương chỉ đủ sống, Rockefeller đóng góp khoảng 6% số tiền của mình cho từ thiện. Đến năm 20 tuổi, ông luôn đóng góp hơn 10%. Sau này, ông tài trợ cho những dự án lớn và tham vọng hơn, bao gồm các trường đại học, cơ sở nghiên cứu y khoa, trường học và các chiến dịch sức khỏe toàn cầu. Cho đến khi qua đời, ông đã quyên góp gần 540 triệu USD.
Rockefeller thấy làm giàu cũng như mọi công việc hoặc sứ mệnh khác. Sự giàu có thường là kết quả của quá trình theo đuổi những mục tiêu khác, hơn là từ quá trình thay đổi chính sự giàu có. Việc có mục tiêu lớn hơn tiền tài danh vọng được cho là yếu tố góp phần làm nên thành công của Rockefeller.
Luôn chú trọng đến tiểu tiết
Rockefeller thành công không chỉ vì trí thông minh bẩm sinh mà còn vì thói quen làm việc cẩn thận và chú trọng tiểu tiết. Về vẻ bề ngoài, Rockefeller luôn ăn mặc chỉnh tề và tươm tất. Râu luôn được cạo sạch và giày luôn được đánh bóng. Với những cuộc họp, ông luôn có ý thức đến đúng giờ, tin rằng “Không ai có quyền vô cơ chiếm lấy thời gian của người khác”.
Ông luôn tuân theo thời gian biểu – phân chia khoảng thời gian nhất định cho công việc, gia đình, niềm tin, sở thích và thực hiện đúng theo đó. Trong kinh doanh, ông luôn trả nợ và hoàn thành hợp đồng đúng hạn. Khi đọc thư cho thư ký viết, ông sẽ viết nháp 5-6 bản, điều chỉnh từ ngữ cho đến khi cảm thấy nó truyền tải đúng ý ông nhất. Ông cũng rất kỹ lưỡng trong việc ký những lá thư này.
Còn về công việc kế toán, Rockefeller luôn tràn đầy nhiệt huyết. Ông luôn tôn trọng những con số và sự kiện, bất kể nó nhỏ thế nào. Nếu có một lỗi nhỏ trong hóa đơn, Rockefeller nhận ra ngay. Dù sai xót chỉ đáng vài xu, ông cũng yêu cầu lỗi đó phải được sửa chữa.
Là chủ tịch công ty Standard Oil, ông luôn quản lý mọi con số được tạo ra trong đế chế hỗn loạn của mình, vì nó cho phép ông có cái nhìn khách quan về tình hình hoạt động và biết khi nào dữ liệu không trùng khớp với báo cáo từ cấp dưới. Mỗi chi phí trong Standard Oil đều được tính toán đến nhiều số lẻ. Rockefeller tin rằng: “Thứ gì đo lường được thì quản lý được”.
Một số người cho rằng sự ám ảnh về tiểu tiết này là quá mức và phí sức, nhưng Rockefeller biết rằng những sự điều chỉnh nhỏ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Ví dụ, khi thăm quan nhà máy, ông nhìn thấy công nhân niêm phong những thùng dầu sắp xuất khẩu bằng 40 giọt chất hàn. Ông yêu cầu quản đốc thử chỉ dùng 38 giọt thì thấy một vài thùng bị rỉ, nhưng khi tăng lên 39 giọt thì các thùng đều được hàn kín, vì thế họ đã thay đổi phương pháp để tiết kiệm hàng trăm ngàn USD cho công ty.
Sống cần kiệm, bất kể hoàn cảnh
Rockefeller tin rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất định hình thành công của ông là theo dõi mọi khoản chi tiêu và tiết kiệm. Từ khi còn trẻ, ông đã ghi chép tình hình tài chính của mình và một cuốn sổ nhỏ màu đỏ mà ông đặt tên là “Sổ Cái A”. Khi đã về già, không để nó trong một két sắt như một di sản. Trong giai đoạn khó khăn khi ông còn là trợ lý kế toán ở Cleveland, ông sống giản dị nhất có thể.
“Thứ gì đo lường được thì quản lý được.”
Thậm chí khi đã giàu có, số kế toán cá nhân trở nên dày đặt và phức tạp hơn ông vẫn tự quản lý sổ sách, chỉnh sửa những lỗi nhỏ nhất chứ không nhờ đến các chuyên gia. Mặc dù giờ đây phải chi trả cho bất kì món đồ nào trong cột chi tiêu, Rockefeller vẫn tiếp tục sống giản dị. Ông mua và cho xây dựng những căn nhà lớn nhưng chúng khá khiêm tốn so với khả năng tài chính của ông. Ông thiết kế và trang trí nhà cửa không phải để gây ấn tượng với người khác mà đơn giản là cho gia đình, và ông chọn phong cách không phô trương.
Rockefeller giữ thói quen tiết kiệm của mình cả đời. Ông giữ lại giấy và dây buộc của những bưu kiện được gửi đến, mặc quần áo đến khi nó sờn đi, và xuống nhà giữa đêm để tắt những chiếc đèn còn sáng. Khi chơi golf, ông luôn sử dụng bóng golf cũ. Khi thấy người khác dùng banh mới, ông ngạc nhiên thốt lên, “Hẳn là họ giàu có lắm!”. Vào những ngày lễ, vợ chồng ông tặng nhau những món quà thiết thực như bút hoặc găng tay, sau đó viết cho nhau những dòng thư dạt dào tình cảm, bày tỏ rằng họ trân trọng món quà đến mức nào.
Vợ chồng Rockefeller rất muốn dạy con của mình lối sống tiết kiệm. Để con trân trọng những gì mình có, hai người cố gắng không thể hiện cho con biết mức độ giàu có của gia đình. Các con của họ chưa bao giờ đi tham quan nhà máy lọc dầu hay văn phòng của cha. Mỗi người được yêu cầu có sổ kế toán riêng, họ có thể kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm những việc như sửa bình hoa, diệt ruồi, nhổ cỏ, chặt củi và không ăn kẹo. Họ mặc quần áo cũ của anh chị và chỉ nhận được một ít quà và đồ chơi. Khi cả 4 người con đều muốn mua xe đạp, Rockefeller quyết định chỉ mua một chiếc để các con học cách chia sẻ.
Ở mặt nào đó, sự tiết kiệm của Rockefeller không hẳn là về tiền bạc – mà là một cách luyện tập một nhân tố tạo ra thành công ngay từ đầu và duy trì nó đến cuối cùng: Sự tự chủ.
Nguồn: Mai Lâm (Nhịp sống kinh tế)