Blog
William O’neil: Đầu Tư Phải Kỷ Luật
- Tháng tư 4, 2019
- Posted by: Admin
- Category: Uncategorized
William J O’neil – Người đã có 25 năm kinh nghiệm vừa là nhà đầu tư cá nhân, vừa là nhà môi giới. Phương pháp của William O’Neil được đánh giá là phù hợp với nhà đầu tư tại thị trường Chứng khoán Việt Nam.
Xem thêm phần 1 : Nhà đầu tư vĩ đại William O’Neil: Phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật?
Xem thêm phần 2 : William O’Neil: Kiến thức cơ bản cho mọi nhà đầu tư – cắt giảm thua lỗ
Xem thêm phần 3 : William O’neil: Thời điểm tốt nhất để đầu tư
Jesse Livermore, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm nổi tiếng đã kiếm được cũng như thua lỗ hàng triệu đô la trên thị trường chứng khoán, từng nói: “Chỉ có hai loại cảm xúc trên thị trường là hy vọng và lo sợ. Vấn đề là bạn hy vọng khi nên lo sợ và bạn lo sợ khi nên hy vọng.” Trong bài này, William J O’Neil cung cấp những kinh nghiệm để cho cảm xúc không ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của bạn.
Tại sao Livermore lại nói “hy vọng khi bạn nên lo sợ” và ngược lại?
Khi cổ phiếu giảm xuống 8% so với giá mua vào, bạn đang bị thua lỗ và bạn hy vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại. Nhưng đáng ra bạn nên lo sợ vì rất có thể bạn sẽ thua lỗ lớn hơn. Điều bạn nên làm là bán cổ phiếu đi để tránh thua lỗ.
Khi cổ phiếu tăng giá và bạn đang kiếm được tiền, bạn lại lo sợ có thể bị mất lợi nhuận. Vì vậy, bạn bán ra quá sớm. Nhưng thực ra giá cổ phiếu tăng là dấu hiệu của sức mạnh và cho thấy bạn có thể đúng.
Điều đó không đi ngược lại bản tính con người phải không?
Dù đầu tư vào lĩnh vực nào, bạn cũng sẽ hành động dựa trên cảm xúc, và thị trường chứng khoán không phải là ngoại lệ. Nhưng thị trường không biết bạn là ai. Chính xác là thị trường không quan tâm bạn nghĩ gì hoặc muốn thấy điều gì đang diễn ra.
Bản tính con người được gắn chặt với thị trường, và những cảm xúc như cái tôi, tính cả tin, sự lo sợ và lòng tham vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Làm thế nào để vượt qua những phản ứng cảm tính, tự nhiên?
Theo kinh nghiệm của tôi, cách duy nhất là thiết lập các quy tắc mua và bán dựa trên cách thức hoạt động của thị trường, không dựa trên các quan điểm cá nhân hay những định kiến.
Các luật sư phân tích quá khứ và sử dụng những tiền lệ, tại sao bạn không làm thế? Càng hiểu quá khứ, bạn sẽ càng dễ dàng nhận ra những cơ hội trong tương lai.
Theo ông, việc nghiên cứu những cổ phiếu thành công trong quá khứ hữu ích như thế nào trong hiện tại?
Từ năm 1953, mỗi năm chúng tôi đều xây dựng các mô hình, hoặc mô tả sơ lược về những cổ phiếu nổi bật. Thay vì nghe những người tự cho mình là chuyên gia, các quan điểm cá nhân, hay tin đồn (đa số là sai), tôi biết chính xác đặc điểm của những cổ phiếu thành công trong quá khứ. Đây sẽ là công thức chỉ dẫn tôi khi tìm kiếm những cổ phiếu hàng đầu trong tương lai.
Phân tích những cổ phiếu thành công trong quá khứ cung cấp một cái nhìn tổng quát về viễn cảnh thị trường. Những biến động thị trường hàng ngày, hàng tuần đe dọa cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Một cái nhìn toàn diện về quá khứ sẽ giúp phát hiện được xu hướng thị trường, từ chu kỳ này đến chu kỳ khác, tạo cơ hội phát triển lớn cho các nhà đầu tư.
Vậy ông cho rằng hiểu biết thực tế và nghiên cứu những cổ phiếu từng thành công là rất quan trọng?
Đúng. Nhưng việc hình thành thói quen hợp lý và trung thành với những quy tắc cũng quan trọng không kém. Thậm chí việc này còn khó khăn hơn, nhất là đối với các cá nhân luôn tuân theo những thói quen đầu tư không hiệu quả. Khắc phục nhược điểm thực sự là một thử thách và đòi hỏi nỗ lực phi thường của các nhà đầu tư.
Ông nhận thấy một số thói quen không tốt của các nhà đầu tư là gì?
Một là, bị các cổ phiếu giá thấp hấp dẫn thái quá. Ý tưởng mua một lô lớn cổ phiếu 2 đô-la, 5 đô-la hoặc 10 đô-la rồi chờ đợi nó tăng gấp đôi nghe có vẻ hấp dẫn. Trong khi thực tế, cơ may trúng xổ số có thể còn cao hơn.
Đầu tư vào các cổ phiếu không giống như mua một chiếc váy hoặc một chiếc xe ô tô. Thị trường chứng khoán là thị trường đấu giá: Các cổ phiếu được bán theo giá trị của chúng tại thời điểm bán. Và khi bạn mua các cổ phiếu giá thấp, bạn sẽ nhận được thứ giá trị bằng số tiền mình bỏ ra.
Các cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong 45 năm qua trung bình có giá là 28 đô-la trước khi tăng gấp đôi, gấp 3 hoặc hơn. Đó là một thực tế. Các cổ phiếu giá thấp thường gắn với rủi ro lớn hơn nhiều.
Vì vậy nên tối thiểu hoá rủi ro?
Tôi không mua cổ phiếu có mức giá dưới 15 đô la. Trong số những cổ phiếu đem lại lợi nhuận lớn cho tôi nhiều năm qua, đều có giá khoảng từ 16 đô la đến 100 đô la một cổ phiếu. Nghe có vẻ đáng ngạc nhiên nhưng bạn đừng cười: Cổ phiếu 100 đô la đã tăng lên 550 đô la.
Những công ty nổi bật dẫn đầu trong lĩnh vực của họ không bán cổ phiếu ở mức giá 5 hay 10 đô la. Nếu có thì rất hiếm.
Nhiều người muốn làm giàu nhanh chóng, nhưng điều này rất khó. Để thành công, bạn cần dành thời gian và sẵn sàng phân tích những sai lầm của mình thật thẳng thắn và khách quan. Đó cũng là chìa khóa để trở nên khôn ngoan hơn trong cuộc sống.
Không dễ khi thừa nhận sai lầm phải không?
Không ai muốn tự nhận là mình sai. Nhưng để cái tôi của bạn can thiệp vào việc phân tích, hay nếu bạn thích một cổ phiếu quá mà không xem xét thật khách quan, là điều không hợp lý khi đầu tư.
Tôi tìm ra được một bí quyết vô giá để phân tích tất cả các giao dịch. Hàng năm, tôi đánh dấu trên một biểu đồ thời điểm tôi mua và bán mọi cổ phiếu, và liệt kê các lý do mua hoặc bán chúng. Sau đó, tôi phân loại những cổ phiếu đem lại lợi nhuận và những cổ phiếu khiến tôi thua lỗ. Tôi đã làm đúng những gì đối với các cổ phiếu tăng giá? Tôi mắc phải sai lầm gì với những cổ phiếu khác? Sau đó, tôi thiết lập một số quy tắc mới để tránh phạm phải sai lầm tương tự trong tương lai. Nếu không nhìn thấy sai lầm của mình, bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà đầu tư giỏi.
Kết luận
- Không để tình cảm xen vào việc kinh doanh cổ phiếu của bạn. Tuân theo các quy tắc mua và bán, đừng để cảm xúc làm thay đổi quyết định của bạn.
- Đừng mua cổ phiếu có mức giá dưới 15 đô la. Những công ty tốt thường không đặt giá 5 hoặc 10 đô la một cổ phiếu.
- Tìm hiểu những cổ phiếu đã và đang thắng thế trên thị trường chứng khoán sẽ giúp bạn đầu tư thành công trong tương lai.
- Luôn luôn phân tích các giao dịch trên thị trường chứng khoán để học hỏi từ những thành công và thất bại của chính mình.