Blog
5 phương pháp đầu tư chứng khoán (update 2023)
- Tháng mười hai 12, 2020
- Posted by: Admin
- Category: Uncategorized
Phương pháp đầu tư chứng khoán hiệu quả nhất? Nhân loại cũng đi tìm đáp án này hơn 400 năm qua, song phải đến năm 1934, “đầu tư chứng khoán” mới được nhìn nhận là một môn “khoa học”, được đặt nền móng là triết lý, có phương pháp luận logic của vị giáo sư Benjamin Graham (người thầy của huyền thoại đầu tư Warren Buffett)
Từ 1934 đến nay, ngành “phân tích chứng khoán” đã có bước tiến rất dài, với nhiều trường phái ra đời, cùng với nhiều tấm gương thành công để chứng minh tính đúng đắn của phương pháp họ theo đuổi.
Học đầu tư chứng khoán & 5 cách học hiệu quả nhất cho người mới
Ban Biên Tập Tichtru nhận thấy việc phân loại phương pháp đầu tư chứng khoán thành 2 kiểu là “cơ bản” và “kỹ thuật” mang nhiều nhược điểm lớn. Trong giới hạn hiểu biết của mình, Chúng Tôi nhận thấy có thể chia thành các nhóm phương pháp đầu tư chứng khoán sau:
Các phương pháp đầu tư chứng khoán cổ điển, mơ hồ
Khi chưa lý giải được sự vật, hiện tượng dưới góc nhìn khoa học; người ta thường nghĩ ra khá nhiều “huyền thoại” để cố gắng giải nghĩa cho điều mình chưa hiểu. Giống như nhân loại từng có thời tin rằng Trái Đất là trung tâm vũ trụ, hay người Việt cổ cho rằng lũ lụt là do mối thâm thù Sơn Tinh – Thủy Tinh.
Nhiều trường phái phân tích từ Tây sang Đông như Ichimoku, Elliott, Harmonic… đều có cách tiếp cận như vậy. Các trường phái này quan sát các hiện tượng trong tự nhiên -> rút ra quy luật -> sau đó “cưỡng bức” giá cổ phiếu cũng biến động theo các quy luật đó.
Ví dụ: Elliott lập luận rằng Giá cổ phiếu biến động giống như sóng biển. Nên ông ngồi ngắm sóng biển, thấy rằng sóng biển biến động theo từng nhịp lên/xuống… sau đó, ông dùng các quy luật này để “phân tích giá cổ phiếu”. Harmonic, Ichimoku… cũng tương tự theo mô-tuýp như vậy.
Tất nhiên, thuyết phục những “môn đệ” của các trường phái này rất khó, giống như bạn phải cố gắng giải thích với các nhà sư rằng Phật thực ra không có thật; hay các tăng đồ thiên chúa rằng câu chuyện về Chúa cũng chỉ là một “huyền thoại” như Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Do cách tiếp cận như vậy, nên rõ ràng các trường phái này không hề quan tâm đến “giá trị doanh nghiệp” đằng sau cổ phiếu. Tất cả những gì mà nó quan tâm là đồ thị giá có xuất hiện “mẫu hình” nào không.
Áp dụng các phương pháp này nghĩa là các bạn không thể trả lời một cách logic câu hỏi “tại sao cổ phiếu lại tăng/giảm”. Vì vậy, rất khó để bạn nắm giữ một siêu cổ phiếu nếu bạn không hiểu thật rõ về nguyên nhân tăng/giảm giá.
Tuy nhiên, do có lịch sử lâu đời, lại mang tính “huyền bí”, nên các phương pháp này lại phổ biến. Bản thân Chúng Tôi cũng có một thời gian học Elliott lúc mới bập bõm vào đầu tư trước khi nhận ra những nhược điểm cố hữu của các phương pháp này.
Học đầu tư chứng khoán & 5 cách học hiệu quả nhất cho người mới
Phương pháp đầu tư: Thị trường hiệu quả
Đây là phương pháp bị tranh cãi nhiều nhất về tính đúng đắn của nó. Phương pháp này được giảng dạy phổ biến ở hầu hết các trường đại học kinh doanh, đầu tư trên thế giới (trong đó có Việt Nam, mà Ban Biên Tập chúng tôi phải học thời còn ngồi ghế giảng đường, và thi chứng chỉ của ủy ban chứng khoán).
Nhưng, thực tế phũ phàng thay, phương pháp này lại không có nổi một Nhà đầu tư thành công vĩ đại nào để chứng minh rằng nó đúng đắn. Ngược lại, đây là phương pháp mà NĐT vĩ đại nhất thế giới – Warrent Buffett – chỉ trích bao năm qua.
Phương pháp này đặt giả thuyết rằng, cổ phiếu luôn giao dịch với giá trị hợp lý của nó trên sàn chứng khoán, nên NĐT không thể mua cổ phiếu bị định giá thấp (cổ phiếu dưới giá trị) hoặc bán cổ phiếu với giá trị cao. Nghĩa là, giá cổ phiếu là một “biến số ngẫu nhiên”, và luôn phản ánh đúng giá trị thực của nó.
Chúng Tôi mất nhiều năm để học phương pháp này, tính Bê-ta, độ lệch chuẩn, độ lồi…vv. Đau đầu nhất là học định giá chứng quyền, phái sinh. Sau khi thi xong bằng cấp của Ủy ban chứng khoán, các kiến thức này – đối với chúng tôi – đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, và xứng đáng xếp vào quên lãng.
Chúng Tôi nghĩ rằng, một phương pháp mà không có nổi một tấm gương thành công để chứng minh tính đúng đắn, thì ta cần đặt câu hỏi tại sao. Nghi vấn này càng tăng thêm khi phương pháp này như một lời phủ nhận sạch trơn cho thành công của vị huyền thoại đầu tư Warrent Buffett, và hàng hà sa số các NĐT khác như Peter Lynch, Munger, Fisher, O’Neil…vv
Khôi hài hơn, một số vị giáo sư nổi tiếng ủng hộ cho thuyết “thị trường hiệu quả”, sau khi bất lực trước sự thành công của Buffett, lại cho rằng Buffett đơn giản là một “biến số” nằm ngoài “phân bổ xác suất”, giống như trường hợp 3 xích-ma.
Đáng buồn thay, đây lại là phương pháp được giảng dạy phổ biến ở các trường kinh tế, và khóa học của Ủy ban chứng khoán.
Đầu tư giá trị cổ điển
Năm 1934, 2 vị giáo sư Benjamin Graham cùng với David Dodd (trường đại học Columbia) xuất bản cuốn sách “Phân tích chứng khoán”. Cuốn sách này được đánh giá là cột mốc khai sáng ngành “khoa học” phân tích chứng khoán.
Graham khuyên các NĐT rằng, họ nắm giữ cổ phiếu là đang nắm giữ một phần quyền sở hữu công ty. Và cổ phiếu có “giá trị nội tại” và “giá cả thị trường”. Giá cả tuy biến động hàng ngày theo thị trường nhưng về lâu dài sẽ luôn bám sát theo giá trị. Vì vậy, ông khuyên NĐT nên mua vào khi “giá cả” thấp hơn một khoảng lớn so với “giá trị” – gọi là “Biên an toàn”.
Những kiến thức này, bạn chắc hẳn đã đọc đâu đó, và thấy nó như là những sự thật hiển nhiên. Nhưng trước khi nó xuất hiện, người ta mù mờ về cổ phiếu, trái phiếu; người ta đầu tư cổ phiếu mà không có định hướng gì, không xem xét gì đến doanh nghiệp đứng sau, mà chỉ coi cổ phiếu là một tờ giấy có giá lên/xuống hàng ngày… Vâng! Nhân loại đã mù mờ như thế hơn 400 năm, kể từ khi thị trường chứng khoán ra đời ở Bỉ.
Phương pháp giá trị cổ điển này, rất phù hợp vào giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế, đây là thời kỳ mà giá cổ phiếu như mớ rau, bị xa lánh, kỳ thị.
Thời của Graham sống là lúc thế chiến xảy ra, cũng là lúc cuộc khủng hoảng 1929 – 1933 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Vì vậy, có rất nhiều cổ phiếu bị bán với giá dưới giá trị thanh lý. Phương pháp này tỏ rõ sự hiệu quả đến ngạc nhiên.
Dẫu vậy, phương pháp này không phải là không có nhược điểm.
Graham từng phá sản đôi ba lần, nên ông rất thận trọng, ông quan trọng việc đọc báo cáo tài chính; xác định giá trị nội tại chủ yếu dựa vào các tài sản hữu hình.
Graham nhìn doanh nghiệp dưới góc độ “tĩnh”, tức là giả định nó sẽ chết, sẽ phải thanh lý, bán tài sản, trả cho các chủ nợ, thực hiện nghĩa vụ thuế… rồi chia tiền cho cổ đông, để xác định giá trị nội tại.
Không ít thương vụ đầu tư theo phương pháp này mang đến những rắc rối lớn vì đa số doanh nghiệp bị bán giá thấp đều có những vấn đề của nó.
Một số vấn đề có thể giải quyết! Và không ít vấn đề không thể giải quyết.
Ngày nay, phương pháp này vẫn hiệu quả nhưng đã không còn được sùng bái như xưa. Thời đại này, các tài sản vô hình như thương hiệu, bằng sáng chế, bản quyền, bí quyết công nghệ… quá quan trọng đối với doanh nghiệp nên việc (hầu như) bỏ qua các tài sản vô hình khi đánh giá doanh nghiệp là việc làm hơi thiển cận.
Tại Việt Nam, nếu bạn là NĐT nhỏ, số vốn không đủ lớn để kiểm soát doanh nghiệp, thì cần phân định rõ những ưu, nhược điểm của phương pháp này khi đầu tư.
Đầu tư tăng trưởng
99.99% tài sản của Warrent Buffett đến sau khi ông bước vào độ tuổi 50. Đây cũng là thời gian Buffett dần “tiến hóa” sau hơn 20 năm theo sát phương pháp “đầu tư giá trị cổ điển” của Graham, và dần chuyển hướng sang chiến lược đầu tư tăng trưởng (hay đầu tư giá trị tăng trưởng), nhờ sự ảnh hưởng của người bạn thân Charlie Munger và từ cuốn sách “Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” của Philip Fisher. Fisher cũng được coi là cha đẻ của trường phái đầu tư tăng trưởng.
Nhìn chung, chiến lược này là tìm kiếm và đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trong tương lai. Fisher có bộ 15 tiêu chí để đánh giá một doanh nghiệp tăng trưởng nhanh; ông mạnh dạn khuyên chúng ta rằng, khi bạn tìm kiếm được một doanh nghiệp như vậy, thì cần phải đầu tư ngay (mà không cần quan tâm đến định giá).
Nếu như Benjamin Graham quan tâm nhiều đến các số liệu trên Báo cáo tài chính; thì Fisher chủ yếu đánh giá bằng các tiêu chí “định tính” như tiềm năng của sản phẩm, dịch vụ, năng lực và khát khao của bộ máy lãnh đạo, mối quan tâm đến R&D (nghiên cứu và phát triển), chế độ lương thưởng…vv
Xem thêm: 15 tiêu chí đánh giá doanh nghiệp tăng trưởng của Philip Fisher
Tức là, Fisher nhìn doanh nghiệp dưới góc nhìn “động”, doanh nghiệp như một thực thể sống, phải tăng trưởng phát triển.
Warrent Buffett thừa nhận “Ông bị ảnh hưởng bởi 15% Graham và 85% bởi Fisher”. Buffett không nghiêng hẳn về bên nào cả. Ông vẫn theo nguyên tắc của Graham là “mua khi giá cả thấp hơn giá trị”, song khi đánh giá doanh nghiệp ông dần quan tâm hơn đến các yếu tố định tính như Fisher. Các thương vụ như See Candies, American Express, Cocacola… hay gần đây nhất là Apple (đầu tư 2016) là minh chứng rõ nhất cho phong cách của Buffett.
Tại Việt Nam, phương pháp đầu tư tăng trưởng rất phù hợp. Với dân số trẻ (và đông), nền chính trị – xã hội ổn định, GDP tăng trưởng luôn trong top đầu… Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng nhanh như Thế giới di động, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Vinamilk, Vicostone…vv
Có nhiều Nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam thành công với chiến lược này, trong những năm qua Ban Biên Tập Chúng Tôi rất may mắn được quen các “ông anh” thành công với Viettel Post, Vicostone, PNJ, và gần nhất là Nam Tân Uyên (NTC).
Tuy nhiên, Ban Biên Tập lưu ý các bạn rằng, đa số các NĐT thành công với chiến lược này đều là những người am hiểu sâu sắc về kinh doanh, đầu tư , có số vốn đầu tư khá lớn và không bị áp lực ngắn hạn về tiền bạc. Vì vậy, họ có thể thảnh thơi khi đầu tư dài hạn.
Nếu vị thế tài chính, kiến thức kinh nghiệm của bạn chưa bằng được so với những NĐT sâu sắc kể trên, hay Fisher, Buffett, thì bạn nên tham khảo phương pháp thứ 5.
Phương pháp CANSLIM
Wiliam O’Neil là nhà đầu tư, nghiên cứu nổi tiếng của Mỹ. Ông vốn xuất thân trong nghề môi giới chứng khoán (broker), phục vụ lâu năm cho NĐT cá nhân (có kiến thức chưa được uyên thâm, số vốn không lớn…) nên góc nhìn/cách tiếp cận của ông rất phù hợp với phần đông NĐT như chúng ta.
Ông mất nhiều năm nghiên cứu, để tìm ra các đặc điểm chung nhất của các “siêu cổ phiếu” trước mỗi đợt tăng trưởng mạnh về giá của nó. Các đặc điểm này được viết tắt bằng chữ CANSLIM, được lý giải rất kỹ trong cuốn sách “Làm giàu qua chứng khoán”.
Nhìn chung, O’Neil (trước đó là Livermore) đều có quan điểm là NĐT cá nhân với số vốn ít, kiến thức chưa sâu sắc… thì đừng máy móc áp dụng phương pháp đầu tư dài hạn (như Buffett, Fisher); song nếu nghiên cứu kỹ phương pháp của O’Neil thì có rất nhiều điểm chung (về mặt đánh giá doanh nghiệp) với Fisher.
Điểm khác biệt lớn là O’Neil (và Livermore) chú trọng là yếu tố thị trường (Market Direction). Theo O’Neil, NĐT cá nhân nên thoát ra khi thị trường có dấu hiệu phân phối (hoặc điều chỉnh mạnh) để bảo toàn đồng vốn của mình; và sẵn sàng cắt lỗ nhanh nếu các phân tích của mình là sai.
Điểm yếu duy nhất là O’Neil chỉ thống kê được về mặt hiện tượng (các đặc điểm), chứ chưa lý giải được về bản chất bên trong sự tăng/giảm giá.
Về cơ bản, phương pháp của DaucoTichtru Chúng Tôi có nhiều nét tương đồng với O’Neil, song sâu sắc hơn về mặt cơ bản và có bổ sung thêm phần Nghiên cứu về giá/khối lượng của cổ phiếu.
Ưu điểm của phương pháp này là nó phù hợp với đa số NĐT cá nhân – như Ban Biên Tập Chúng Tôi nhấn mạnh nhiều lần – chưa sâu sắc về kiến thức, kinh nghiệm và không có nguồn vốn lớn, dồi dào, đều đặn như Buffett. Nó học hỏi được những tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp của phương pháp Đầu tư tăng trưởng (của Fisher, Buffett) nhưng đồng thời cũng tỉnh táo, hiểu rõ vị thế cá nhân để biết ra/vào hợp lý theo điều kiện thị trường.
Nhược điểm của phương pháp này, là 1) số lượng cổ phiếu đáp ứng được các tiêu chí là ít và 2) phần lớn thời gian là nắm giữ cổ phiếu, ít khi mua-bán nên nhiều NĐT không chịu được. Ngoài ra, do phương pháp này chỉ tham gia khi cổ phiếu bứt phá, doanh nghiệp có đột biến về doanh thu/lợi nhuận nên mức sinh lời của nó không “khủng khiếp” như phương pháp đầu tư dài hạn (song cũng là mức sinh lời đáng mơ ước).
Đây là phương pháp – theo kinh nghiệm của Chúng Tôi – rất phù hợp với vị thế, đặc trưng của một Nhà đầu tư cá nhân. Dưới đây là những cơ hội mà Chúng Tôi từng tư vấn/đầu tư thành công nhờ vào phương pháp này.