Cập nhật DHDCD tập đoàn Hoà Phát 2018

Chúng Tôi trân trọng gửi Quý độc giả tham khảo bài viết Cập nhật ĐHĐCĐ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ngày 22/03/2018 của DaucoTichtru

Ngày hôm nay chúng tôi có cơ hội tham dự đại hội cổ đông thường niên của CTCP Tập đoàn Hòa Phát – một trong những doanh nghiệp minh bạch và có sức khỏe tài chính tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam – Được lắng nghe phần trả lời rất chân thành và thẳng thắn của chủ tịch Trần Đình Long – tỷ phú đô la của ngành công nghiệp nặng – chúng tôi hiểu rõ hơn về cái tầm và cái tâm của vị chủ tịch này, cũng như có cái nhìn thấu đáo hơn về bức tranh toàn cảnh của HPG trong tương lai.

Triển vọng dài hạn sáng lạn khi triển khai khu liên hợp gang thép Dung Quất: 

-Có thể nói đây là dự án sẽ nâng tầm Hòa Phát, đưa doanh nghiệp trở thành một trong hai doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á và lọt vào trong top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về ngành thép đúng như tham vọng của ban lãnh đạo. Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến 52.000 tỷ trong đó 40.000 đầu tư tài sản, 12.000 tỷ vốn lưu động dự kiến hoàn thành cuối năm 2019 sẽ giúp sản lượng của HPG tăng thêm 4 triệu tấn/năm, đồng nghĩa với doanh thu tối thiểu tăng gấp đôi và lợi nhuận cũng sẽ tăng với tỷ lệ tương ứng. Đây rõ ràng là động lực tăng trưởng rất lớn cho doanh nghiệp khi khu liên hợp chính thức đi vào vận hành.

-Với sản lượng lớn chủ yếu là sản xuất ở thị trường nội địa, cũng có khá nhiều ý kiến lo ngại về khả năng hấp thụ nguồn cung lớn (tổng sản lượng của tập đoàn khoảng 7 triệu tấn/ năm) khi Dung Quất chính thức vận hành. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam đang là một nước công nghiệp mới, ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư hạ tầng và xây dựng cơ bản, dự kiến nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tiếp tục tăng lên khoảng gấp đôi trong 10 năm tới, từ 210 kg/người/năm hiện tại lên tối thiểu 400 kg/người/năm. Đây là cơ sở để cho tập đoàn tự tin về đầu ra của sản phẩm trong bối cảnh sức cạnh tranh của HPG là rất lớn, nếu không muốn nói là tốt nhất trên cả nước.

-Sức cạnh tranh này đến từ suất đầu tư thấp một cách kinh ngạc! Nếu như Formosa mất đến 12-13 tỷ USD để đi vào vận hành nhà máy có công suất 7,5 triệu tấn/năm (trong đó ½ là vốn vay) làm tăng chi phí lãi vay, làm đẩy giá vốn thì Hòa Phát chỉ mất 52.000 tỷ để vận hành hoàn chỉnh khu liên hợp Dung Quất (trong điều kiện không có phát sinh thêm chi phí) tức là chỉ gần bằng 1/3 suất đầu tư của Formosa. Chính suất đầu tư thấp mặc dù đầu tư rất bài bản, với công nghệ hiện đại giúp doanh nghiệp có thể đảm bảo giá bán tốt trong môi trường rất cạnh tranh của ngành thép.

-Khi khảo sát thăm Dung Quất, đã có người từng phải thốt lên rằng “Đúng là trời cho Hòa Phát” vì Dung Quất có những lợi thế rất lớn. Với cảng nước sâu có thể đón tàu trọng tải lớn từ 150.000-200.000 tấn giúp HPG có thể chủ động nhập nguyên liệu (quặng) từ các nước trên thế giới với chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều so với việc nhập trong nước. Trong khi giá vận tải bộ trong nước khoảng 20-25 USD/tấn thì giá vận chuyển đường biển từ Braxin về Trung Quốc chỉ có từ 7-8 USD/ tấn. Bên cạnh đó vị trí địa lý của Dung Quất cũng cho phép Hòa Phát đẩy mạnh phát triển thị trường Miền Nam và Miền Trung, dự kiến toàn bộ sản lượng của Dung Quất sẽ phục vụ cho 02 thị trường này với tỷ lệ gần như tương đương, vừa giúp HPG mở rộng thị phần vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển.

-Cũng chính vì dự án cần rất nhiều tiền nên kế hoạch trong vài năm tới khi doanh nghiệp phải tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, nguồn lực cho khu liên hợp Dung Quất thì Hòa Phát chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu chứ không chia bằng tiền mặt cho cổ đông. Đây cũng là điều dễ hiểu, về nếu như dự án vận hành trơn tru thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh, có lẽ các cổ đông cũng không cần quá lo lắng hay bận tâm về vấn đề này.

-Bên cạnh những thuận lợi, rõ ràng việc triển khai dự án Dung Quất cũng là một thách thức vô cùng lớn đối với ban lãnh đạo của Hòa Phát mà như lời ông Trần Đình Long chia sẻ “ Với hơn 30 năm kinh nghiệm, việc triển khai Dung Quất có những việc chúng tôi chưa từng làm bao giờ”. Là khu liên hợp nên Dung Quất có rất nhiều hạng mục phải triển khai từ Cảng biển, đến đường sắt, nhà máy điện, nhà máy nước riêng … để phục vụ cho toàn bộ khu liên hợp. Đây là thách thức lớn, đặc biệt về tiến độ và chi phí đầu tư, nhưng chúng tôi tin tưởng với đội ngũ ban lãnh đạo cẩn trọng và tâm huyết, Hòa Phát sẽ vận hành Dung Quất đúng tiến độ đề ra mà doanh nghiệp đề ra.

Ngắn hạn không có nhiều động lực để bứt phá mạnh:

-Hòa Phát hiện tại đã full công suất trong điều kiện năm 2018 đến chu kỳ bảo dưỡng (03-05 năm/lần), sẽ có khoảng thời gian gián đoạn sản xuất. Mặc dù tình hình tiêu thụ thép được dự báo vẫn rất tốt nhưng rõ ràng nguồn lực sản xuất không cho phép doanh nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ trong ngắn hạn.

-Tháng 05.2018, nhà máy tôn mạ với 04 sản phẩm chính là thép tẩy rỉ, cuộn tôn mạ kẽm, cuộn tôn mạ nhôm kẽm và tôn lợp mái sẽ cho sản phẩm và triển khai bán hàng. Việc bán hàng sẽ dựa trên hệ thống đại lý đông đảo và sẵn có của công ty, tuy nhiên do mới bán hàng và chắc chắn vấp phải cạnh tranh nên công ty đặt mục tiêu doanh thu của tôn mạ năm 2018 là 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu cho 2019 là 9.000 tỷ đồng và tỷ trọng lớn đến từ xuất khẩu.

-Tháng 07.2018, dây chuyền sản xuất thép xây dựng chất lượng cao thuộc khu liên hợp gang thép Dung Quất 600.000 tấn/ năm sẽ cho ra sản phẩm với các loại như thép rút dây, que hàn, ốc vít, bu-lông … Hiện tại nhu cầu của thị trường nội địa cho các sản phẩm này khoảng 1,5 triệu tấn/ năm. Doanh nghiệp cũng định hướng sẽ dành tỷ trọng 70-80% cho thị trường nội địa và 20-30% thép chất lượng cao cho xuất khẩu. Chúng tôi đánh giá dây chuyền này có tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh của HPG từ năm 2019.

-Trong năm 2017, Hòa Phát có khoảng 700-800 tỷ lợi nhuận từ hedging quặng, khoản lợi nhuận này là không chắc chắn và khó dự báo trong năm nay. Kế hoạch lợi nhuận 8.050 tỷ năm 2018 chủ yếu đến từ core sản xuất và lợi nhuận từ bất động sản của doanh nghiệp.

Những rủi ro – một phần nguyên nhân khiến Hòa Phát không được trả P/E cao:

Nguyên liệu và giá bán: Với hoạt động cốt lõi là sản xuất và kinh doanh thép (chiếm hơn 80% doanh thu của cả tập đoàn), rõ ràng nguyên liệu đầu vào như quặng sắt (chủ yếu nhập khẩu), than các loại và giá bán thép chịu tác động chung của giá thép thế giới khiến cho việc dự báo thu nhập của doanh nghiệp trở nên tùy biến và khó khăn hơn khi những nhân tố kể trên biến động mạnh.

Chính sách: hiện tại ngành nghề sản xuất thép của Việt Nam vẫn được chính phủ bảo hộ, tạm thời các lợi thế của các doanh nghiệp thép nội trong đó đặc biệt là Hòa Phát vẫn được duy trì cho đến khi … chính phủ có những chính sách mới. Đây là rủi ro bất khả kháng nếu xảy ra, nhưng cũng làm giảm tính bền vững khi đánh giá về thu nhập của Hòa Phát trong dài hạn.

Đầu tư nhiều: Hòa Phát là điển hình của doanh nghiệp muốn có nhiều lợi nhuận phải đầu tư càng nhiều. Rõ ràng khi đầu tư nhiều sẽ kéo theo rất nhiều rủi ro liên quan, những rủi ro này có thể phát trong trước, trong hay sau khi quá trình đầu tư kết thúc. Chính việc phải đầu tư nhiều khiến cho dòng tiền mà Hòa Phát mang lại khó có thể được đánh giá cao với những doanh nghiệp đầu tư ít hoặc không cần đầu tư mà vẫn mang lại lợi nhuận đều đặn và gia tăng cho các cổ đông.

-Sản phẩm thô: mặc dù Hòa Phát rất chú trọng vào công tác nghiên cứu phát triển để sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm mới, cải thiện biên lợi nhuận, tuy nhiên do đặc tính ngành nghề sản xuất công nghiệp nặng nên những cải tiến này ít nhiều chưa mang lại giá trị gia tăng, đẩy mạnh biên lợi nhuận.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top