Blog
Chứng khoán là gì, cổ phiếu là gì?
- Tháng chín 5, 2018
- Posted by: Admin
- Category: Uncategorized
Ở bài viết đầu tiên trong series hướng dẫn cho người mới, DaucoTichtru sẽ trả lời một cách dễ hiểu nhất về các khái niệm cơ bản:
- Chứng khoán là gì?
- Cổ phiếu là gì? Trái phiếu là gì?
- Vai trò của cổ phiếu, trái phiếu?
Trong xã hội, luôn tồn tại hai bộ phận là Người thừa vốn (bên A – có nhu cầu sinh lời đồng vốn dư thừa) và Người cần vốn ( bên là B – có nhu cầu huy động vốn để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng).
Để luân chuyển/kết nối giữa hai bộ phận này, ban đầu loài người sáng tạo ra Ngân hàng – họ nhận tiền gửi từ A để cho B vay, hưởng chênh lệch lãi suất. Khoảng 3000 năm trước công nguyên, Ngân hàng đã ra đời. Ngân hàng là trung gian tài chính quan trọng bậc nhất và vẫn giữ được vai trò đó đến bây giờ, song nó không giải quyết được hết nhu cầu của các bên:
- Bên A gửi tiền cho NGân hàng được hưởng lãi suất rất thấp, họ kỳ vọng mức sinh lời nhiều hơn và vượt qua được sự mất giá của đồng tiền;
- Bên B đi vay Ngân hàng song phải trả lãi suất cao, bị áp lực về thời gian chi trả, thậm chí một số doanh nghiệp khi phát triển đến quy mô lớn, nhu cầu vốn của họ lớn đến mức Ngân hàng không thể đáp ứng.
A và B, cuối cùng, thay vì gặp gỡ gián tiếp qua Ngân hàng, đã quyết định trực tiếp kết nối với nhau, đó là giữa thế kỷ 15:
- B sẽ phát hành một tờ giấy gọi là Chứng khoán,
- A mua tờ Chứng khoán, chuyển tiền cho B. Xong! Bản chất chỉ có thế.
- Nếu A cho B vay, thì tờ Chứng khoán đó gọi là Trái phiếu -> đây là bằng chứng xác nhận rằng B vay tiền của A, sẽ phải trả một mức lãi nào đó cho A.
- Nếu A góp vốn vào B, để B kinh doanh, thì tờ Chứng khoán đó gọi là Cổ phiếu – đây là bằng chứng xác nhận rằng A góp vốn vào cùng với B để B điều hành, kinh doanh.
Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu (bên A) đối với một phần vốn của bên phát hành (bên B). Nếu là vốn nợ thì Chứng khóan đó gọi là Trái phiếu, nếu đó là vốn chủ sở hữu thì Chứng khoán đó gọi là Cổ phiếu.
Đến đây, bạn chắc hẳn đã hiểu phần nào. Chỉ xuất phát từ việc luân chuyển tiền giữa bên thừa vốn (A) sang bên Cần vốn (B) mà đã khai sinh ra hai thị trường rất lớn là Thị trường tiền tệ (NGân hàng) và Thị trường chứng khoán.
Bằng chứng xác nhận: Nói thêm về khái niệm này, vì bản chất của Chứng khoán chỉ là 01 bằng chứng xác nhận. Bạn có Giấy đăng ký mô tô xe máy không, đấy là 01 bằng chứng xác nhận quyền sở hữu của bạn với chiếc xe; bố mẹ bạn gửi tiết kiệm thì nhận về 01 cuốn sổ – đấy là bằng chứng ngân hàng xác nhận bố mẹ bạn đã gửi tiền vào đây. Chứng khoán cũng đơn giản thế, là 01 bằng chứng xác nhận quyền sở hữu của bạn với 01 phần vốn của tổ chức phát hành.
Vì chỉ đơn giản là bằng chứng, nên Chứng khoán có muôn vàn hình thái tồn tại, phổ biến (ngày xưa) là tờ giấy. Đất nước Hàn Quốc một thời phải xây mấy cái kho lớn, để chứa toàn bộ chứng khoán của cả nước vào đấy. Nhưng giờ, theo sự phát triển của Công nghệ thông tin, Chứng khoán tồn tại chủ yếu dưới dạng dữ liệu điện tử, được lưu giữ tại Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD). Trung tâm này có đến 03 (nếu Chúng Tôi nhớ không nhầm) kho lưu giữ dữ liệu, được sao lưu và giữ bí mật về vị trí đóng, nên dữ liệu về chứng khoán do ai sở hữu, sở hữu bao nhiêu … bạn hoàn toàn an tâm là không mất đi được.
Thị trường chứng khoán: Từ “thị trường” nghe hơi chuyên ngành, thực chất của “thị trường” là “chợ”. Thị trường chứng khoán là cái chợ mua-bán chứng khoán. Doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu để huy động vốn, ra chợ. Chính phủ muốn phát hành trái phiếu để vay tiền dân chúng, xây dựng đường xá trường trạm, ra chợ. Bạn có cổ phiếu, bạn đang cần tiền, và muốn bán cổ phiếu đi để lấy tiền, cũng ra chợ. Đến đây có sự phân loại nho nhỏ:
- Chợ sơ cấp: Là nơi Bên B phát hành, bán cho bên A, và thu tiền về.
- Chợ thứ cấp: Là nơi các anh bên A mua-bán chứng khoán cho nhau. Chợ thứ cấp này giúp tạo tính thanh khoản (hay còn gọi là hoán tệ – khả năng chuyển đổi thành tiền) cho chứng khoán. Vì có chợ thứ cấp này nên chợ sơ cấp mới phát triển mạnh. Chúng Ta hoạt động chủ yếu trên cái chợ này. Thị trường chứng khoán mà bạn vẫn nghe trên báo đài, về điểm số VNIndex, hay giao dịch hàng ngày…vv… chính là cái chợ thứ cấp này đây!
Cổ phiếu là gì?
Loại chứng khoán phổ biến nhất hiện nay là cổ phiếu! Đây cũng là mối quan tâm của bạn khi vào đây!
Cổ phiếu là 01 loại chứng khoán, là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu của bạn đối với một phần vốn chủ của công ty cổ phần. Bạn tưởng tượng:
- Quyền sở hữu của công ty cổ phần là 01 chiếc bánh piza, được chia ra làm 1 000 000 phần bằng nhau. ⬇️
- Mỗi một phần bánh được gọi là “cổ phần”, ⬇️
- Người sở hữu cổ phần được gọi là “cổ đông”, ⬇️
- và bằng chứng xác nhận quyền sở hữu cổ phần của cổ đông được gọi là cổ phiếu.
Bản chất cổ phiếu là gì? Cổ phiếu có 02 đặc tính rất rõ:
- Ngay khái niệm của cổ phiếu đã chỉ ra bản chất sơ khai của cổ phiếu. Đằng sau tờ cổ phiếu là một doanh nghiệp, với sản phẩm, lãnh đạo, mô hình kinh doanh, lợi thế cạnh tranh…vv. Nên về lâu dài, giá trị cổ phiếu sẽ phản ánh khá chính xác giá trị doanh nghiệp. Nên nhớ đây là về lâu dài.
- Nhưng cổ phiếu – do được mọi người (ở bên A) mua đi bán lại hàng ngày trên thị trường – nên nó có tính thanh khoản, nói cách khác nó mang đặc tính của một loại hàng hóa có tính thanh khoản. Là hàng hóa, được mua-bán hàng ngày, nên giống như giá lúa gạo ngô khoai, cổ phiếu cũng có thể được đầu cơ, đẩy giá, làm giá, đè giá…vv… thậm chí với quy mô lớn… nhưng là trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, giá cổ phiếu, phản ánh khá chính xác giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ăn tốt thì về lâu dài giá cổ phiếu sẽ lên giá.
Cổ phiếu, như vậy, vừa mang bản chất là đại diện cho giá trị doanh nghiệp, vừa mang bản chất là một hàng hóa được mua-bán hàng ngày nên giá cả biến động hàng ngày thất thường, bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý của nhà đầu tư.
Đặc tính nào có trước, cái nào quan trọng hơn? Câu trả lời là cả hai đều quan trọng như nhau, cái nào có trước cái nào cũng đâu có quan trọng, giống như con gà và quả trứng, khó có câu trả lời chính xác. Thay vào đó, nên quan điểm đây là hai đặc tính “đồng sinh đồng tử” – hỗ trợ, bổ sung cho nhau!