Thương vụ MWG của Mekong Capital
Năm 2014, khi ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) đánh cồng mở đầu phiên giao dịch cổ phiếu đầu tiên của công ty trên sàn chứng khoán TP.HCM, thì ông Chris Freund, sáng lập kiêm tổng giám đốc quỹ Mekong Capital, đứng sau lưng ông Tài cười rất tươi.
Có bốn tổ chức nắm cổ phần của TGDĐ lúc đó nhưng quỹ Mekong Capital đầu tư vào sớm nhất nên đạt hiệu suất cao nhất. Giá trị cổ phiếu họ nắm giữ tại thời điểm niêm yết đạt hơn 45 triệu đô la Mỹ dù đã bán một nửa lượng cổ phiếu họ từng mua cách đó bảy năm với giá 4,5 triệu đô la Mỹ.
Năm 2017, Mekong Capital nhận giải Công ty của năm 2016 tại thị trường mới nổi do tạp chí Private Equity International trao nhờ những công ty trong danh mục tư vấn đầu tư của Mekong Capital đạt bình quân tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 115%, dẫn đầu là TGDĐ, Traphaco, Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Trường Việt Úc, Chảo Đỏ (tiền thân là Wrap & Roll), ABA Cooltrans và F88. Kết quả này, theo Mekong Capital, liên quan chặt chẽ tới việc các công ty này áp dụng những thông lệ thực hành tốt nhất theo mô hình “Lấy tầm nhìn làm định hướng”
Mekong Capital, công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên về doanh nghiệp cổ phần chưa niêm yết tại Việt Nam, thành công ở danh mục đầu tư gồm TGDĐ, ICP, AA Corporation, Golden Gate. Công thức cơ bản là mua cổ phần của các công ty có tiềm năng tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng đến quy mô đủ lớn sau đó niêm yết, bán cổ phần, thu lời. Cả bốn quỹ thuộc quản lý của Mekong Capital có tổng vốn gần 245 triệu đô la Mỹ, đều “tập trung vào công ty tư nhân và làm đúng một việc thật tốt,” theo lời Chris Freund.
Khác với ba quỹ trước giới hạn ở tỉ lệ cổ phần nắm giữ dưới 30%, quỹ mới nhất ra mắt hồi năm ngoái với tổng vốn cam kết 112 triệu đô la Mỹ, lại kiểm soát cổ phần có thể lên đến hơn 70% để có thể can thiệp sâu hơn vào chiến lược và điều hành ở các công ty.
Thời điểm Mekong Capital đầu tư vào TGDĐ năm 2007, công ty này chỉ có ba năm tuổi với bảy cửa hàng bán mỗi một sản phẩm điện thoại di động. Tính đến cuối tháng 8 năm nay, TGDĐ đã trở thành ông lớn bán lẻ với hơn 1.640 cửa hàng trên toàn quốc, không chỉ bán điện thoại di động mà còn điện máy, thực phẩm.
Trong bảy năm đầu tư, Mekong Capital giúp công ty tuyển các nhân sự cấp cao, giới thiệu hệ thống báo cáo đo lường kết quả kinh doanh, hỗ trợ TGDĐ xây dựng “văn hóa doanh nghiệp” tập trung vào khách hàng được xem là thế mạnh làm nên thành công của TGDĐ. “Hầu hết các nhà bán lẻ Việt Nam lúc ấy không thực sự chú ý điều này,” Chris nhận xét. Ông kể, cuộc gặp đầu tiên diễn ra một tiếng đồng hồ với ban lãnh đạo TGDĐ khiến ông ấn tượng ở tham vọng “tăng trưởng và tái cấu trúc công ty”. TGDĐ đạt được mục tiêu, Mekong Capital có phần. Quý tư năm ngoái, Mekong Capital bán một phần họ sở hữu tại TGDĐ với mức giá gấp 89 lần so với giá mua ban đầu.
Khẩu vị của Mekong Capital
Trước TGDĐ, Mekong Capital là một tác nhân góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ICP, một công ty tư nhân nhỏ của Việt Nam đặt mục tiêu chen chân vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cá nhân và mỹ phẩm, địa hạt thường do các tập đoàn đa quốc gia nắm quyền chi phối. Năm 2006, Mekong Capital tiếp cận ICP. Theo sách Quỹ đầu tư tư nhân quốc tế của tác giả Eli Talmor và Florin Vasvari, ICP, chủ thương hiệu dầu gội đầu dành cho nam X-Men, bị thuyết phục bởi khả năng của Mekong Capital có thể giúp công ty đạt mục tiêu tăng trưởng, nên đã bán 26,9% cổ phần từ hai cổ đông khác cho Mekong Capital với giá 6,25 triệu đô la Mỹ.
Sau đầu tư của Mekong Capital, đội ngũ nhân viên bán hàng các sản phẩm cá nhân và gia dụng ICP được cải thiện, giúp công ty tăng trưởng doanh thu gấp hai lần chỉ trong hai năm 2006 – 2008, đạt doanh thu 354 tỉ đồng và sau đó thâu tóm thành công công ty gia vị Thuận Phát. Năm năm sau, Mekong Capital thoái vốn, với tỉ lệ hoàn vốn gộp gấp hai lần.
Năm 2008, Mekong Capital đầu tư vào Golden Gate, với số tiền đầu tư 2,6 triệu đô la Mỹ. Lúc này, Goden Gate mới có bảy nhà hàng với mô hình nhà hàng duy nhất là Lẩu nấm Ashima. Chris chia sẻ, ông quan tâm nhiều đến các nhà sáng lập công ty tư nhân.
“Các nhà sáng lập của Golden Gate còn trẻ, học ở nước ngoài hoặc làm việc cho công ty đa quốc gia, có tinh thần khởi nghiệp,” theo Chris, giúp cho việc hợp tác đôi bên dễ dàng hơn. Sau khi Mekong Capital vào, Golden Gate mở thêm Vuvuzela, mô hình giải trí beer club, kết hợp giữa quán bia và quán bar có DJ chơi nhạc đầu tiên của Việt Nam, sau này tạo thành trào lưu.
“Nhà hàng Vuvuzela hiện nay khác rất nhiều so với Vuvuzela đầu tiên ở Hà Nội. Các nhà điều hành Golden Gate liên tục cập nhật thị hiếu khách hàng, thị trường và họ đổi mới mỗi năm,” Chris kể.
Khi ban lãnh đạo Golden Gate đang mở hàng loạt nhà hàng mới theo đúng kế hoạch trình bày với các cổ đông, Chad Ovel, một nhà điều hành nước ngoài sành sỏi tiếng Việt được Chris Freund mời vào vị trí cố vấn đầu tư nội bộ cho Mekong Capital và phụ trách chính khoản đầu tư của họ tại Golden Gate. Chad Ovel đề nghị công ty dừng mở nhà hàng mới, tập trung vào cải thiện hệ thống khu bếp, chuỗi cung ứng, vì cho rằng đây mới chính là nơi tạo ra giá trị cao nhất, theo sách Quỹ đầu tư tư nhân tại các nước phát triển và đang phát triển.
Mekong Capital cũng giới thiệu cựu CEO chuỗi nhà hàng KFC khu vực châu Á vào vị trí cố vấn củng cố chuỗi cung ứng. Sau khi xây dựng hệ thống dịch vụ đạt chuẩn và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Golden Gate tiếp tục kế hoạch mở rộng. Năm 2014, thời điểm Mekong Capital thoái vốn khỏi Golden Gate, thương hiệu này nắm trong tay số nhà hàng theo chuỗi do họ tự mở nhiều nhất Việt Nam với hơn 100 nhà hàng của các thương hiệu như SumoBBQ, Kichi-Kichi, Ba Con Cừu….
Doanh thu của Golden Gate năm 2014 đạt hơn 1.250 tỉ đồng, tăng trưởng 150% so với năm trước đó, theo báo cáo tài chính công ty. Mức tỉ suất hoàn vốn nội bộ gộp 45,1% từ khoản đầu tư này giúp Mekong Capital đoạt giải Operational Excellence 2015 (Điều hành xuất sắc) do tạp chí Private Equity International bình chọn cho danh mục các công ty quản lý vốn nhỏ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Các tác động của Mekong Capital vào công ty họ đầu tư, theo Chris, gồm có giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống công nghệ, văn hóa doanh nghiệp và giới thiệu các chuyên gia để xây dựng một đội ngũ quản lý mạnh. Tại TGDĐ, Mekong Capital giới thiệu cựu CEO của BestBuy International làm thành viên hội đồng quản trị. Một nửa ban điều hành cấp trung của công ty và ba thành viên hội đồng quản trị của TGDĐ cũng do quỹ giới thiệu, theo Chris.
Hay ông Marcel van Miert, chủ tịch điều hành trường Việt Úc cũng là người do Mekong Capital đề xuất. “Có thêm người ngoài, mọi chuyện phải minh bạch. Ngoài ra, họ hỗ trợ nhiều trong việc tổ chức đào tạo, huấn luyện đội ngũ quản lý. Kỹ năng quản lý một phần có được thông qua tập huấn, đào tạo bổ sung các kiến thức, kỹ năng…,” ông Tài, chủ tịch công ty TGDĐ nhận xét.
Lấy tầm nhìn làm định hướng
Đến Việt Nam năm 1994, Chris làm việc cho Templeton tại Việt Nam, trước khi chuyển sang Templeton tại Singapore chịu trách nhiệm cho các khoản đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Israel. Năm 2001, ông quay lại Việt Nam thành lập Mekong Capital và ra mắt quỹ đầu tiên 18,5 triệu đô la Mỹ, đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình trong lĩnh vực sản xuất. Quá trình phát triển của quỹ đầu tư tư nhân Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu trước năm 2005, đồng thời là thời kỳ đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch cổ phiếu ít và do đó, các hoạt động đầu tư cổ phần cũng yên ắng. Giai đoạn thứ hai từ năm 2005 – 2011, xuất hiện thêm hai quỹ đầu tư tư nhân PENM (quản lý bốn quỹ, vốn hiện hơn nửa tỉ đô la Mỹ), VIGroup (quản lý ba quỹ, vốn hiện hơn 400 triệu đô la Mỹ).
Theo Chris, đây là hai quỹ tập trung vào đầu tư tư nhân chưa niêm yết đáng chú ý tại Việt Nam cùng nhóm với Mekong Capital. Giai đoạn này, chủ yếu diễn ra các giao dịch thứ cấp giữa các quỹ đầu tư vào Việt Nam trước bán lại cổ phần cho các quỹ vào sau do áp lực giải ngân.
Giai đoạn thứ ba từ năm 2011 đến nay có sự tham gia thêm của các quỹ tư nhân ngoại như Warburg Pincus, KKR, Navis Capital. Con đường đi đến thành Công của Mekong Capital khởi đầu bằng việc học từ các thất bại. Trả lời phỏng vấn một tờ báo, Chris kể, sáu năm đầu, dù Mekong Capital rất cố gắng để mang lại giá trị cho các công ty nhưng không có hiệu quả. Một năm, chỉ khoảng 1/3 số công ty đạt được các mục tiêu.
Từ năm 2002 đến 2006, họ áp dụng phương pháp 6 sigma (hệ phương pháp cải tiến quy trình nhằm giảm thiểu tỉ lệ sai sót bằng cách loại trừ các nguồn tạo nên bất ổn trong kinh doanh) nhưng không mang lại kết quả. Trong ba năm kể từ năm 2005, bộ máy Mekong Capital tăng gấp ba lần số nhân viên và quản lý cấp trung, lên đến 50 người (hiện nay còn một nửa), nhiều hơn số lượng họ thật sự cần.
“Khi chúng tôi không làm việc hiệu quả thì làm sao chúng tôi có thể giúp các công ty mà chúng tôi đầu tư vào?” Chris kể với Forbes Việt Nam. Chris thay đổi, áp dụng phiên bản “Lấy tầm nhìn làm định hướng” vào cuối năm 2007, ban đầu với năm thành phần, hiện giờ đã tăng lên 14, bao gồm việc thiết lập các mục tiêu rõ ràng và xuyên suốt, vận động và tập hợp nhân viên cùng hướng đến tầm nhìn và các mục tiêu này, đề ra các cột mốc thực hiện rõ ràng để hoàn tất tầm nhìn đó, đồng thời theo dõi tiến độ thực hiện dựa trên các cột mốc đã đặt ra, loại bỏ hoạt động không hiệu quả và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hiệu quả….
“Chúng tôi chuyển đổi triệt để. Kết quả hiệu quả hơn.” Mặc dù tỉ lệ nhân viên nghỉ việc cao còn một nửa, đến cuối năm 2009, toàn công ty đã thống nhất một tầm nhìn chung cho tương lai của Mekong Capital và cải thiện hoạt động kinh doanh của các công ty trong danh mục đầu tư với tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần đạt 89% sau một năm rưỡi áp dụng “Lấy tầm nhìn làm định hướng”.
Mục tiêu khi đầu tư
Chris Freund năm nay 45 tuổi, tốt nghiệp ngành tâm lý đại học California, Santa Cruz năm 1995. Ông nhanh tay lật ra quyển giới thiệu về văn hóa công ty trên bàn, nhấn mạnh vào các từ cùng được viết trên một bảng trong phòng họp với các đối tác: “khởi nguyên” (chọn quan điểm sống là nguyên nhân thay vì kết quả), “Mọi thứ đều có thể đạt được”, “Ai cũng có những điểm đáng quý”, “Truyền cảm hứng tạo đột phá”, “Kiên trì đến cùng”, “Tôn trọng lời hứa”, “Giao tiếp trọn vẹn” và “Khám phá cốt lõi.” Chris giới thiệu ngắn gọn công thức quỹ Mekong Capital đầu tư: “Chúng tôi chọn ngành, sau đó nhìn quanh xem công ty nào có quản lý tốt nhất và đầu tư.” Mỗi năm Mekong Capital đầu tư vào khoảng 3 – 4 công ty.
“Chris đặt mục tiêu rất cao. Một khi Chris đã tin vào việc gì thì khó có thể thay đổi được ý kiến của ông ấy. Chris sẽ thử. Nếu sai, ông ấy sẽ thẳng thắn thừa nhận như vụ 6 sigma,” một đồng nghiệp cũ của Chris không muốn tiết lộ tên nhận xét. Chris nói với Forbes Việt Nam, có một số khoản đầu tư Mekong Capital có thể kiếm lời nhiều hơn do chọn sai thời điểm thoái vốn sớm như Masan Food, ICP, Golden Gate (doanh thu năm 2016 đạt 2.628 tỉ đồng, gấp hơn hai lần thời điểm Mekong Capital thoái vốn), Maison.
Ông nói: “Sau khi chúng tôi thoái vốn, các công ty này tiếp tục lớn dần, lớn dần.” Nhưng tập đoàn Lộc Trời lại là một bài học khác mà Chris cho rằng Mekong Capital rơi vào trường hợp ngược lại, thoái vốn chậm. Sau tám năm không ít “chông gai” tại Lộc Trời, quỹ Mekong Capital bán cổ phần với giá bán ra 68 ngàn đồng hồi tháng 7, thấp hơn nhiều so với giá 85 ngàn đồng mà VinaCapital thoái vốn năm 2014 dù mang lại lợi nhuận gộp 3,5x cho Mekong Capital. “Chúng tôi trưởng thành hơn là vì chúng tôi đã sai lầm nhiều và thay đổi,” Chris chia sẻ.
Bà Vũ Thị Thuận, chủ tịch công ty Traphaco, một trong ba công ty nhà nước hiếm hoi mà Mekong Capital nắm cổ phần, nhận xét Chris thuộc tuýp người “thực tế” “quyết đoán” và “mạnh mẽ” với các mục tiêu tăng trưởng. Bà tiết lộ, Mekong Capital có vai trò quan trọng trong tư vấn chiến lược chuyển Traphaco từ bán buôn sang bán lẻ dược phẩm và hướng đến vị trí số 1 trong ngành đông dược.
Để đạt mục tiêu, Chris thúc đẩy quá trình thâu tóm công ty TNHH Công nghệ Cao Traphaco (CNC), đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (GMP, WHO) về đông dược (thương vụ thành công năm 2009).
Chris hiện có vợ người Việt Nam và hai con. Theo tiết lộ của một đồng nghiệp tại Mekong Capital, nhà sáng lập quỹ mong muốn đầu tư vào các công ty trong tương lai theo hướng bền vững, bản thân ông là người theo xu hướng không ăn thịt động vật có vú.Sau gần hai thập kỷ, Mekong Capital đang bước vào một giai đoạn mới.
Quỹ thứ tư Mekong Enterprise Fund III, đã đổ vốn vào sáu công ty, tiếp tục khai thác thế mạnh đầu tư mà họ từng tham gia trong lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng, nhà hàng…. Ví dụ Chảo Đỏ và BTJ là hai lĩnh vực mà Mekong Capital đã từng có kinh nghiệm tại Golden Gate và công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Với vốn đầu tư cho mỗi công ty từ 8 – 15 triệu đô la Mỹ, nhiều hơn trước kia, Mekong Capital tỏ ra tự tin hơn để nắm quyền kiểm soát các công ty nhỏ, có thể đến 70%.
Cũng vẫn dựa trên phương pháp đầu tư đã được kiểm chứng “Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng”, quỹ thứ tư có vẻ đang tăng trưởng khả quan: trong chín tháng khởi động, BTJ mở được 10 cửa hàng bán thương hiệu trang sức PRECITA, Chảo Đỏ tăng quy mô nhà hàng gấp hai lần, F88 sở hữu 40 từ con số 11 cửa hàng cầm đồ so với đầu năm, số điểm nhận trả hàng của công ty logistics Nhất Tín tăng 1,4 lần đạt con số 200…. “Chiến lược của quỹ thứ tư này là xây dựng một đội điều hành mạnh. Có nhiều tiêu chuẩn nhưng đầu tiên là vậy. Nhìn lại các thương vụ đầu tư thành công, điểm chung là công ty sở hữu đội ngũ điều hành mạnh. Nếu họ muốn tăng trưởng, chúng tôi sẽ giúp họ đi thật nhanh,” Chris cho hay. Các khoản đầu tư trong tương lai, theo Chris, phải mang về tỉ lệ lãi tối thiểu bốn lần.
Bài viết: Minh Thiên (Forbes Việt Nam)