Sóng Đầu Tư Công, Có Phải Tất Cả Doanh Nghiệp Được Hưởng Lợi?

Từ khóa “Đầu tư công” là từ khóa được nhiều nhà đầu tư trong nước tìm kiếm trong bối cảnh dịch bệnh và nền kinh tế đang có những dấu hiệu suy thoái. Đây là giải pháp quan trọng, góp phần kích cầu xã hội, hỗ trợ hồi phục nền kinh tế. Kì vọng vào việc các doanh nghiệp trong ngành được hưởng lợi đã thu hút lượng lớn dòng tiền tham gia mua cổ phiếu, bất chấp hoạt động kinh doanh không có gì quá ổn định – thậm chí là khó khăn.

1. Chỉ tiêu đầu tư công của chính phủ trong năm 2020

– Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành làm sao phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) trong năm 2020 đã được thị trường đón nhận rất tích cực. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ hợp tác công – tư (PPP) sang đầu tư công. Dự kiến, các dự án sẽ được khởi công ngay trong quý III/2020, thay vì như kế hoạch trước đây là quý I/2021. Giới đầu tư đang kỳ vọng, với định hướng của Chính phủ, giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng tốc trong các quý tiếp theo sau nhiều năm trong tình trạng “ứ đọng” và điều này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng được hưởng lợi.


2. Tác động đến các doanh nghiệp

Ngay khi các thông tin liên quan đến đầu tư công được công bố, dòng tiền lập tức tìm đến các doanh nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi trực tiếp là xây dựng và vật liệu xây dựng. Đây chính là lý do những cổ phiếu ngành xây dựng như C4G, FCN, LCG .. và các cổ phiếu thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng (KSB, HT1,NNC, C32 …) tăng mạnh. Tuy nhiên nhà đầu tư cần phải cảnh giác với việc các doanh nghiệp có thực sự tận dụng được cơ hội từ những yếu tố cả chủ quan và khách quan.

– Để tìm kiếm được cơ hội đầu tư tốt cho năm 2020, chúng ta cần chờ đợi thêm các thông tin trúng thầu các dự án đầu tư công nói trên, cũng như năng lực thi công, năng lực thu xếp nguồn vốn và triển khai của từng đơn vị. Cần lưu ý rằng, đặc thù của hoạt động xây dựng hạ tầng là thời gian thi công thường kéo dài, việc nghiệm thu, bàn giao được thực hiện từng phần… thường mất nhiều thời gian, và các đơn vị tham gia cũng đối mặt với áp lực nguồn vốn nếu dự án bị giải ngân chậm hơn so với tiến độ. Ngoài ra, cạnh tranh trong đấu thầu cũng rất khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp giảm giá thầu quá thấp, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.

– Các doanh nghiệp kể trên hiện tại đều có cơ cấu tài chính tương đối kém do đặc điểm của ngành là bị chiếm dụng vốn và phải sử dụng nợ vay. Tiền mặt trong doanh nghiệp thấp, trong khi các dự án lớn đều cần nguồn vốn đầu tư lâu dài, thời gian hoàn vốn dài gây khó khăn trong việc lưu thông dòng tiền.

– Đặc điểm của các dự án đầu tư công là có độ trễ từ việc xây dựng, nghiệm thu cũng như thanh toán, do liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều thủ tục. Chính vì vậy, với những doanh nghiệp không có lợi thế về tiềm lực tài chính, không trường vốn, sẽ là một thách thức để tham gia phân khúc dự án này.

 Kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới đã đẩy giá cổ phiếu lên quá nhanh trong khi nhiều doanh nghiệp hiện có tình hình tài chính không lành mạnh, áp lực nợ vay cao, bị chiếm dụng vốn lớn và quan trọng lượng tiền của doanh nghiệp không lớn.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh hơn trong đánh giá cơ hội khi đặc điểm đầu tư công sẽ trả chậm khi nghiệm thu dự án, việc xoay vòng vốn sẽ bị hạn chế đối với các doanh nghiệp.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top