Có một cuốn sách được đánh giá là hay nhất về… quản trị nhưng nó xứng đáng được xếp là “sách đầu tư kinh điển“. Trong đó, phần về Lãnh đạo cấp độ 5 thực sự xuất sắc, giúp chúng ta lọc ra được các tiêu chí khi đánh giá ban lãnh đạo.
Đó là cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” của tác giả Jim Collins – đây cũng là cuốn sách mà chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng truyền đạt cho các quản lý tầm trung của tập đoàn.
Đọc tác phẩm này, Bạn sẽ nhận thấy nhiều đặc điểm giống đến kỳ lạ nếu so sánh với MWG – CTCP Đầu tư thế giới di động.
Chân dung nhà lãnh đạo cấp độ 5
Hãy xem Jim Collins đã viết về chân dung một nhà lãnh đạo cấp độ 5 sẽ có những đặc điểm gì.
Lãnh đạo có tuổi, nhưng doanh nghiệp phải trường tồn
5 cấp độ lãnh đạo pha trộn kết hợp với những nghịch lý về chiều sâu trong nội tại con người với sự chuyên nghiệp. Những sự kết hợp hiếm hoi này thách thức những giả định của chúng tôi trong việc tìm kiếm điều gì đã tạo nên những nhà lãnh đạo vĩ đại.
Những người nổi tiếng như Lee Lacocca (người đã đưa Chrysler thoát khỏi bờ vực của sự phá sản) có thể rất nổi tiếng trên các mặt báo. Nhưng một cách từ từ nhẹ nhàng, những nhà lãnh đạo như Darwin Smith của Kimberly-Clark đã nâng công ty của họ lên tầm vĩ đại – và giữ chúng ở tầm vĩ đại.
Ví dụ: Darwin Smith – CEO tại công ty sản xuất giấy Kimberly-Clark từ năm 1971 đến 1991 – mẫu mực cho hình mẫu lãnh đạo 5 cấp độ. Với vẻ ngoài điềm đạm nhưng ông lại cho thấy một ý chí sắt đá, quyết tâm xác định lại những giá trị kinh doanh cốt lõi bất chấp thái độ hoài nghi của phố Wall.
Hình ảnh mờ nhạt của Kimberly-Clark trước đây được thay thế bởi hình ảnh của một công ty dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp này, giá trị cổ phiếu tăng hơn giá trị thị trường chung gấp 4.1 lần so với những cổ phiếu tên tuổi trên thị trường như Hewlett-Packard, 3M, Coca-Cola và General Electric.
Nhận xét về hình mẫu nhà lãnh đạo cấp độ 5, tác giả Jim Collins cho biết: “Những nhà lãnh đạo cấp độ 5 hướng cái tôi ra khỏi cá nhân họ, đi vào mục đích lớn hơn là xây dựng công ty vĩ đại. Không phải những nhà lãnh đạo này không có cái tôi hay quan tâm đến bản thân mình, trên thực tế, họ cực kỳ tham vọng, nhưng tham vọng của họ trước hết là vì công ty, chứ không phải vì bản thân.”
Một lãnh đạo đưa công ty trở thành công ty vĩ đại nhưng khi ông ta ra đi thì công ty dần sụp đổ thì sẽ là người lãnh đạo cấp độ 4. Người lãnh đạo cấp 5 biết đặt quyền lợi của công ty lên trên hết, lo lắng đưa công ty lên vĩ đại và tiếp tục vĩ đại ngay cả khi ông ta không còn làm ở đó nữa. Những người kế nhiệm một nhà lãnh đạo cấp độ 5 sẽ tận hưởng được rất nhiều lợi thế.
Nhà lãnh đạo cấp độ 5 là sự kết hợp của sự khiêm nhường và kiên định
Người lãnh đạo cấp độ 5 giúp một công ty từ sắp phá sản trở thành một công ty đứng đầu nhưng rất ngại nói về mình, không coi mình là người giúp công ty trở lên vĩ đại. Mô hình “Cửa sổ và gương soi” là minh họa rõ nhất cho đặc điểm này.
Những nhà lãnh đạo cấp độ 5, vốn khiêm nhường, nhìn ra cửa sổ để lý giải cho sự thành công của mình. Họ lý giải sự thành công của mình là do may mắn, do các yếu tố bên ngoài tạo ra. Đồng thời, họ nhìn trong gương để nhận trách nhiệm, không bao giờ viện dẫn lý do không may mắn hay yếu tố bên ngoài khi mọi việc trở nên tồi tệ.
Ngược lại, các giám đốc điều hành ở các công ty thường nhìn ra cửa sổ tìm kiếm các yếu tố để đổ lỗi nhưng lại tô vẽ thêm trong gương để tin tưởng vào chính mình khi mọi thứ tiến triển tốt.
Một nhà lãnh đạo cấp độ 5 có quyết tâm tới cao độ gần như là khắc khổ để đưa công ty tới vĩ đại. Họ ghét sự tầm thường, luôn muốn một công việc phải được thực hiện một cách vĩ đại, họ không chấp nhận những cá nhân chỉ chấp nhận tốt là được. Họ sẵn sàng đuổi việc cả anh em mình, bán mọi thứ miễn là biến công ty trở thành vĩ đại.
Theo tác giả Jim Collins: “Rất ít khi nhà lãnh đạo cấp độ 5 xuất hiện trên vị trí cao nhất của các tổ chức bởi quy trình tuyển dụng hiện tại không đủ sức phát hiện ra những tố chất tiềm ẩn trong những con người này. Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài để họ đạt đến cấp độ này là điều không thể đảm bảo nhưng ít nhất, niềm cảm hứng khi nhìn vào những nhà lãnh đạo cấp độ 5 như Darwin Smith cho ta một cái đích cụ thể để khởi đầu.”
Nhà lãnh đạo cấp độ 5 không phải “Một thiên tài, vạn người giúp việc”
Một công ty vĩ đại có năng lực xây dựng đội ngũ lãnh đạo mạnh và sâu sắc, chứ không đi theo mô hình “một thiên tài, vạn người giúp việc”. Đây là mô hình mà Công ty là một bệ phóng phô diễn tài năng cá nhân xuất chúng. Động lực chính thúc đẩy thành công của công ty – là một thiên tài trên cao – sẽ còn duy trì nếu… thiên tài vẫn ở lại công ty.
Những thiên tài này ít khi tạo dựng một đội ngũ lãnh đạo tuyệt vời, vì lý do đơn giản là họ không cần mà cũng không muốn. Khi thiên tài ra đi, những người giúp việc sẽ trở nên lạc lõng; tệ hơn là họ cố bắt chước người tiền nhiệm bằng các quyết định to tát, mạnh mẽ; họ gồng mình lên… mà mang lại kết quả không như ý.
So chiếu tiêu chí này ở các doanh nghiệp Việt Nam, khó có ví dụ nào điển hình hơn là trường hợp của MWG – CTCP Đầu tư thế giới di động. Họ có một đội ngũ lãnh đạo rất tuyệt vời, năng động, phân quyền rõ ràng và ở đây, vai trò của chủ tịch Nguyễn Đức Tài – không hề là một người hô hào đao to búa lớn; đội ngũ lãnh đạo MWG biết sắp xếp để ai làm tốt công việc gì nhất thì sẽ chịu trách nhiệm cho việc đó. Không phải tất cả công việc đều dồn lên vị lãnh đạo chóp bu.
Hãy đặt đúng người vào đúng việc
Ông Nguyễn Đức Tài
- Các doanh nghiệp vĩ đại thường không phải là “người tiên phong”, sáng tạo ra cái mới trong ngành. MWG cũng như vậy nếu Bạn biết rằng, MWG làm thương mại điện tử muộn, nhưng thay vì hướng đi kiểu “đốt tiền” như Tiki, Sendo, Lazada… thì MWG có cách tiếp cận khác hiệu quả và ít chi phí hơn rất nhiều. Kết quả? 3 trang web của MWG nằm trong top truy cập thương mại điện tử (xem tại đây).
- Chiến lược kinh doanh của MWG liên tiếp thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, thử-sai liên tục để tìm ra con đường hiệu quả nhất.
- Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo của MWG có nhiều đặc điểm tương đồng với Lãnh đạo cấp độ 5 mà Jim Collins đề cập.
Các lãnh đạo cấp độ 5 ở Việt Nam
Lãnh đạo cấp độ 5 theo mô hình của Jim Collins là người hội tụ đầy đủ hai phẩm chất quan trọng: sự khiêm tốn cá nhân và ý chí chuyên nghiệp. Họ không chỉ tạo ra những thành tựu bền vững cho doanh nghiệp mà còn xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp để thành công đó có thể duy trì và phát triển khi họ rời khỏi vị trí lãnh đạo.
Những lãnh đạo này thường tập trung vào mục tiêu chung và thành công của tổ chức hơn là cá nhân mình. Thay vì tìm kiếm sự chú ý hay danh tiếng, họ đặt sự phát triển của doanh nghiệp lên trên hết, sẵn sàng nhận trách nhiệm khi có thất bại và tôn vinh đội ngũ khi đạt thành công. Chính sự khiêm nhường và quyết tâm của họ đã làm nên sự khác biệt, giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển vượt bậc mà còn có khả năng đối mặt và vượt qua những thách thức dài hạn.
Là nhà đầu tư chứng khoán theo trường phái đầu tư tăng trưởng, Tích Trữ cũng từng tìm kiếm hình mẫu lãnh đạo như vậy ở các doanh nghiệp mình đầu tư. Trong hành trình đó, Chúng tôi nhận thấy có một số tên tuổi nổi bật xứng đáng là lãnh đạo cấp độ 5 ở Việt Nam. Có một số tên bạn có thể không nghe đến tên, vì đơn giản là họ quá kiệm lời trên truyền thông:
- Đại tá Lê Vỹ – Chủ tịch HĐQT của CTCP Phú Tài (mã: PTB)
- Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ)
- Ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT Vicostone
- Bà Mai Kiều Liên – Cựu Chủ tịch Vinamilk
- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (mã: REE)
- Ông Cô Gia Thọ – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã: TLG).
- Và tất nhiên, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG).
Các vị lãnh đạo này đã lèo lái doanh nghiệp hàng chục năm, trải qua nhiều sóng gió để đạt được những thành tựu lớn lao. Là Nhà đầu tư tăng trưởng, việc nghiên cứu tìm hiểu về các lãnh đạo này, nhất là trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp, mang lại nhiều bài học rất giá trị.