Blog
Người đàn bà thép Margaret Thatcher
- Tháng Một 19, 2018
- Posted by: Admin
- Category: Uncategorized
Tư nhân hóa” tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, có liên quan gì đến người đàn bà thép Margaret Thatcher?
Nnhà nước đang quyết liệt thoái vốn khỏi các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt, nhà nước không cạnh tranh với tư nhân, mà lùi phía sau đóng vai trò “kiến tạo”. Câu chuyện Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng với nước Anh những năm 1980s, Trung Quốc (thời Đặng Tiểu Bình) những năm 1980s-1990s, Nga những năm 1990s…
Chúng tôi trân trọng trích lại bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân để Quý NĐT tham khảo:
Kinh tế thị trường tự do vốn là nền tảng tạo ra sự thịnh vượng và nền văn minh phương Tây thế kỷ 19, cho đến Đại khủng hoảng năm 1930. Do không nhận ra nguyên nhân khủng hoảng là hậu quả của các chính sách can thiệp vào chu kỳ kinh tế diễn ra trước đó, nên người ta đã đổ lỗi cho tính tự phát của thị trường.
Thị trường và xã hội tự do giải phóng các cá nhân khỏi sự ràng buộc của các định chế nhà nước và tín điều tôn giáo, đã tạo ra những thành tựu kỳ vĩ chưa từng có của loài người. Nhưng vì bản chất của tự do bao giờ cũng đi liền với rủi ro, nên con người có khuynh hướng coi những thành tựu là từ trên trời rơi xuống chứ không phải là sản phẩm mà xã hội tự do mang lại, còn những rủi ro thì quy cho xã hội tự do là thủ phạm. Bởi vậy, cuộc khủng hoảng đã khiến cho con người không còn tin vào thị trường nữa, mà tin vào sự cứu rỗi của nhà nước.
Trong khi đó, chỉ trong một thời gian ngắn sau cách mạng tháng Mười, Liên Xô trở thành một cường quốc không có thất nghiệp. Điều đó khiến cho giới trí thức phương Tây hướng về chủ nghĩa xã hội với niềm tin vào sự vạn năng của khoa học. Chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế kế hoạch hóa có sức thuyết phục đối với giới trí thức đến nỗi cả danh họa Pablo Picasso cũng trở thành đảng viên cộng sản (ĐCS Pháp, 1944), còn văn hào Anh Berna Shaw (Giải Nobel văn chương 1925) trở thành người ủng hộ nhiệt tình nhất nước Anh đi lên chủ nghĩa xã hội (theo khuynh hướng Fabian).
Tại nước Anh, ngay trước khi Đại chiến 2 kết thúc, Đảng Bảo thủ của người anh hùng – Thủ tướng Winston Churchill thất bại trong bầu cử, Công Đảng thắng cử đưa Clement Attlee lên làm Thủ tướng, thực hiện kế hoạch hóa nền kinh tế theo hướng xã hội chủ nghĩa. Một cuộc quốc hữu hóa quy mô chưa từng thấy trong lịch sử nước Anh, hầu hết các ngành kinh tế then chốt trở thành những “đỉnh cao chỉ huy” (thuật ngữ của Lenine). Các “Tổng Công ty Nhà nước” quy mô lớn ra đời giữ “vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế. Các tập đoàn quốc doanh này bao gồm ngành Than, Điện lực, Luyện kim, Dầu khí, Viễn thông, Đường sắt … và các ngành phục vụ công cộng. BBC là hãng tin đầu tiên được quốc hữu hóa (vẫn là hãng quốc doanh cho đến tận ngày nay).
Hãy nghe Thủ tướng Attlee nói về nền kinh tế nước Anh khi ấy, rằng“đó là một nền kinh tế hỗn hợp hướng tới chủ nghĩa xã hội…”, rằng “với mục tiêu thịnh vượng, mọi người đều có việc làm, đảm bảo an ninh xã hội đòi hỏi sự chuyển đổi sang sở hữu công cộng một số ngành kinh tế chủ yếu nhất định và đòi hỏi sự kiểm soát có kế hoạch những lợi ích chung của nhiều hoạt động kinh tế khác” (*)
Kết quả là cho đến cuối những năm 1940, nước Anh hầu như không còn thất nghiệp. Trong những năm khó khăn, lương thực và hàng thiết yếu thực hiện theo chế độ phân phối hệt như ở nước ta thời bao cấp, ngay cả hoàng gia Anh cũng có “sổ gạo” mãi đến đầu những năm 1950. Y tế, giáo dục, trợ cấp hưu trí và an sinh xã hội được nhà nước bảo đảm. Nhà nước phúc lợi đầu tiên trên thế giới ra đời, trở thành mô hình lan ra nhiều nước Châu Âu.
Nền kinh tế “hỗn hợp” đó thống trị nước Anh suốt gần 4 thập kỷ (trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 của mình 1951-1955, ông Winston Churchill cũng không thay đổi được hệ thống này, dù ông là người ủng hộ thị trường tự do). Điều đáng buồn, đó là sự lựa chọn của dân chúng thông qua thiết chế dân chủ. Người dân Anh chấp nhận hệ thống đó như là sự mặc định, không ai nhìn thấy khủng hoảng đang tích tụ. Đến những năm 1970, nước Anh rơi vào tình cảnh bi đát. Lạm phát ở mức 24%. Thuế thu nhập lên tới 98%. Bất cứ những nỗ lực cải cách nào đều bị dân chúng phản đối và bị các nghiệp đoàn bóp chết. Thậm chí đến đầu những năm 1980, “kinh tế thị trường” vẫn còn là cụm từ bị dị ứng. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới vào năm 1973 cùng với sự sụp đổ của thị trường bất động sản London vào năm 1972 đã đưa nước Anh vào bờ vực tan rã. Không một Chính phủ nào, dù là Công Đảng hay Đảng Bảo thủ, có thể trụ nổi nếu không đáp ứng các yêu sách của các nghiệp đoàn tại các “Tổng Công ty Nhà nước”.
Lịch sử nước Anh ngẫu nhiên xuất hiện một nhân vật : Margaret Thatcher. Khi còn là sinh viên, cô gái xinh đẹp này đã đọc cuốn sách The Road to Serfdom của nhà kinh tế – triết gia tự do F. A. Hayek (cuốn sách này đã dịch ra tiếng Việt : Đường về nô lệ, NXB Tri thức, 2009), cuốn sách trở thành niềm cảm hứng trên con đường hoạt động chính trị sau này của bà. Khi bà trở thành thủ lĩnh Đảng Bảo thủ, The Road to Serfdom là cuốn sách đầu tiên trong danh mục các cuốn sách mà nhóm cố vấn của bà trong Học viện Các vấn đề kinh tế (IEA) cần phải đọc. IEA được coi là “hòn đảo” của tư tưởng kinh tế tự do giữa thời kỳ thống trị của học thuyết kinh tế theo trường phái Keynes trên nước Anh. Cuốn sách này đã trở thành một cuốn Kinh Thánh của nhóm cố vấn của bà.
Cũng trong thời gian này, có lần bà đến thăm Ban nghiên cứu của Đảng Bảo thủ, sau khi giận dữ chỉ trích một bài nghiên cứu của một chuyên gia, bà mở cặp lấy ra một cuốn sách, giơ cao lên cho mọi người thấy, đó là một cuốn sách khác của Hayek – The Constitution of Liberty (Hiến pháp của tự do), rồi nói : “Đây là cái mà chúng ta cần tin tưởng”. Tháng 5-1979, Thatcher trở thành Thủ tướng Anh quốc, vị Thủ tướng cô độc nhất trong lịch sử của nước này.
Thatcher gọi nhà nước phúc lợi Anh lúc đó là “Nhà nước vú em”. Ngay sau khi trở thành Thủ tướng, bà tuyên bố : “Chúng ta không nên mong chờ nhà nước xuất hiện dưới cái vỏ của một bà tiên tốt bụng trong các lễ rửa tội, một người bạn ba hoa suốt mọi nẻo đường của cuộc sống, và một người khóc thuê vô danh trong các lễ tang”. Bà phế bỏ học thuyết kinh tế Keynes bằng cách hủy bỏ tất cả các văn bản tài chính của chính phủ liên quan đến học thuyết này, thay vào đó bằng tư tưởng của Hayek và chính sách cung tiền theo huynh hướng của nhà kinh tế tự do Milton Friedman của Mỹ.
Kết quả của chính sách đầu tiên là những khoản cắt giảm ngân sách khổng lồ của chính phủ, nhưng không khiến cho kinh tế Anh hồi phục mà ngược lại, thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn do những hiệu ứng xấu từ khu vực quốc doanh chưa bị giải thể. Thatcher trở thành thiểu số ngay trong nội các của mình. Một Bộ trưởng của bà phản đối gay gắt toàn bộ chương trình thay đổi nhận thức của chính phủ và cảnh báo : “chủ nghĩa kinh tế tự do của giáo sư Hayek, do sự khắc nghiệt và không tạo được tinh thần cộng đồng, sẽ không bảo vệ mà là đe dọa tự do chính trị”. Nhưng Thatcher không nhượng bộ, bà nói : “Ồ, vâng, tôi biết, gần đây chúng ta đã được không dưới 365 nhà kinh tế học hàn lâm cho biết rằng những điều này là không thể, rằng hoạt động kinh doanh của nước Anh đang phải chịu số phận bi đát. Sự tin tưởng về tính chính xác trong dự đoán của họ khiến tôi phải nín thở. Nhưng do tôi đã lớn lên trong một cửa hàng kinh doanh, tôi đôi khi tự hỏi liệu họ có dám đặt cược bằng tiền của chính họ cho những dự đoán đó không”.
Bà bị báo chí rủa sả, bị công chúng tẩy chay. Tỷ lệ dân chúng ủng hộ bà giảm xuống chỉ còn 23%, là mức thấp nhất mà người dân ủng hộ một Thủ tướng kể từ khi bắt đầu có các cuộc thăm dò dư luận. Nhưng bà vẫn không lùi bước. Và bà đã gặp may mắn, một sự may mắn cũng ngẫu nhiên như chính bà xuất hiện trên chính trường Anh quốc. Đó là cuộc chiến Falklands diễn ra vào ngày 2-4-1982, khi Argentina cho quân đội chiếm quần đảo này, nơi người Anh thống trị trong 149 năm và đang có gần 2000 người Anh sinh sống. Bà đã đơn độc và mạo hiểm cho hạm đội Anh vượt 8000 dặm trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt để chiếm lại quần đảo, một việc làm mà sau này bà nói nếu đưa tất cả các thông số vào máy tính thì máy tính sẽ trả lời là không thể. Nhưng bà đã chiến thắng. Chiến thắng này đã khiến cho công chúng thay đổi thái độ, họ bắt đầu tin rằng người đàn bà này nói được thì làm được. Đến đầu năm 1983 kinh tế cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Trước ngày tổng tuyển cử, dù bà đã thận trọng gói ghém mọi hành trang của mình tại số 10 phố Downing để phòng khi thất bại sẽ rời khỏi đó ngay lập tức, nhưng bà đã chiến thắng vang dội. Bà bước vào nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai vào tháng 6-1983 và bắt đầu cuộc chiến “giáp lá cà” với độc quyền kinh tê nhà nước và quyền lực của nghiệp đoàn.
Cuộc chiến đầu tiên diễn ra là với ngành than. Ngành này thua lỗ triền miên, mỗi năm nhà nước phải bỏ ra tới 1,3 tỷ đô la để trợ cấp. Đóng cửa các hầm mỏ bị thua lỗ, giảm lực lượng lao động, cấu trúc lại ngành này cho hợp lý mới mong giảm được nguồn trợ cấp khổng lồ từ chính phủ. Nhưng nghiệp đoàn ngành than không cần biết tiền trợ cấp lấy từ đâu, họ nhất định không thỏa hiệp, đối với họ đây là cuộc đấu tranh giai cấp. Thatcher biết rõ thế lực của Nghiệp đoàn ngành than quốc gia, “họ có thể dựng lên hay hạ bệ một chính phủ”. Nhưng bà không thỏa hiệp. Một cuộc bãi công quy mô lớn diễn ra tới một năm trời, bắt đầu từ tháng 3-1984 gây tranh cãi trên toàn thế giới, không chỉ Liên Xô, Libya của đại tá Qaddafi hỗ trợ tài chính mà các đảng viên dân chủ xã hội của Tây Âu cũng đi đến từng góc phố của những nước này để quyên góp ủng hộ công nhân bãi công. Nhưng cuối cùng thì bà Thatcher đã thắng, nghiệp đoàn đầu hàng.
Chiến thắng giới thợ mỏ đã mở ra một chương trình quy mô chưa từng thấy : Tư nhân hóa nền kinh tế. Thuật ngữ “tư nhân hóa” lần đầu tiên được Chính phủ Thatcher đem ra ứng dụng, làm đảo ngược diện mạo của thế giới. Trước đó thế giới chỉ có xu hướng quốc hữu hóa, không có điều ngược lại. Lĩnh vực đầu tiên được tư nhân hóa liên quan đến những chiếc điện thoại : Công ty quốc doanh độc quyền British Telecom. Dưới sự thống trị của công ty này, người Anh muốn lắp đặt điện thoại phải chờ nhiều tháng với 2 lựa chọn : hoặc là dùng chiếc điện thoại của nhà nước hoặc không có gì, còn muốn sửa điện thoại thì phải bồi dưỡng tiền cho thợ đường dây, thực tế y chang như Việt Nam thời bao cấp. 50% lượng cổ phiếu của British lần đầu được bán ra đã thu về tới 6 tỷ đô la. Và thật kỳ lạ, những lời phàn nàn của khách hàng bắt đầu tăng lên sau khi tư nhân hóa, đơn giản là trước đây không một ai than phiền gì về dịch vụ điện thoại vì chẳng có ai thèm nghe cả.
Tiếp theo đó, hãng Dầu khí Anh (British Gas), Hãng hàng không Anh (British Airways, Hãng Thép Anh (British Steel), kế đó là Công ty Than đá Anh (British Coal), Công ty Đường sắt Anh (British Rail) và một loạt những ngành khác, trong đó chương trình tư nhân hóa quy mô lớn nhất là ngành điện. Bà đầm thép này liên tục bị chỉ trích, liên tục bị báo chí chửi bới bêu xấu, nhưng nước Anh đã hồi sinh.
Kinh tế thị trường và tư nhân hóa từ đây đã trở thành niềm cảm hứng cho toàn thế giới, trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Ở Trung Quốc, trong những năm u tối dưới cách mạng văn hóa, nhiều nhà trí thức vẫn lén lút lưu hành các tác phẩm của Hayek để trang bị nhận thức cho cuộc cải cách tự do của Đặng Tiểu Bình, ít nhiều đồng điệu với cuộc cách mạng Thatcher. Ở Việt Nam, một cách gián tiếp và không được tuyên bố, những tư tưởng về thị trường tự do của Hayek cũng như tư tưởng của cuộc cách mạng Thatcher vẫn hàm chứa ở một mức độ không hề nhỏ trong các chính sách của công cuộc đổi mới. Chính hàm lượng tự do hóa đó trong các chính sách đổi mới đã mang lại các thành tựu. Nhà nước lùi càng xa các hoạt động kinh tế thì kinh tế càng phát triển.
Hiểu được sự đơn độc của bà Thatcher người ta mới có thể hiểu được vì sao ông Park Chung Hee của Hàn Quốc phải áp dụng chế độ độc tài để nuôi dưỡng thị trường tự do làm bệ phóng cho sự thịnh vượng của Hàn Quốc hiện đại, hiểu được vì sao con gái của ông – cựu Tổng thống Park Geun-hye, người kiên trì với thị trường tự do, đã bị đám đông tả khuynh hùa nhau bêu xấu, đánh đổ và đưa vào tù. Còn nhà độc tài Pinochet của Chile nữa, bên cạnh những tiếng xấu bị người đời nguyền rủa, những di sản kinh tế tự do của ông đã tạo nên sự thịnh vượng của nước Chile ngày nay. Hiểu được sự đơn độc của bà Thatcher ta còn hiểu được tầm nhìn của các vị lãnh đạo tiền nhiệm của nước Việt Nam vào giữa những năm 1980, chấp nhận đau đớn để đưa đất nước thoát khỏi gọng kiềm kế hoạch hóa.
Không cần phải thông tuệ lắm mới hiểu được những dòng chảy của lịch sử. Chỉ cần xóa bỏ những định kiến chính trị, thoát khỏi sự nhào nặn của giới truyền thông là có thể nhìn vào các sự kiện như là nó vốn có.
__________
(*) Những câu trích và tư liệu dùng trong bài này được lấy từ cuốn sách “The Commanding Heights : The Battle for the World Economy của hai tác giả Daniel Yergin và Joseph Stanislaw (tác giả đoạt giải Pulitzer), bản tiếng Việt : Những đỉnh cao chỉ huy : cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới, NXB Tri thức, 2008)