Lãnh đạo PTB ông Lê Vỹ: Khiêm tốn nhưng tham vọng
Khác với việc tự mình bỏ tiền sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính là việc Chúng ta “Giao tiền cho người khác sử dụng”. Ngoài vợ con, thì chỉ khi thực sự tin tưởng, Chúng ta mới sẵn sàng giao tiền. Có lẽ đại tá Lê Vỹ – lãnh đạo của Tập đoàn Phú Tài, là số hiếm trên thị trường mà Nhà đầu tư dài hạn có thể tin tưởng giao tiền.
(Bài viết về PTB khi tư vấn trong năm 2016 của DaucoTichtru)
Năm 2021, DaucoTichtru tư vấn lại PTB, xem tại đây!
Khiêm tốn
Số tháng 07 của tạp chí FORBES VIỆT NAM có bài viết về Công ty cổ phần Phú Tài (mã: PTB) và người chủ tịch – đại tá Lê Vỹ. Mất hơn 02 giờ đồng hồ, nhưng những gì mà phóng viên của FORBES thu thập được về cá nhân ông Vỹ chỉ là lời chia sẻ ngắn gọn: “Tự nói về mình thì không khách quan”.
Để khắc họa cho nhân vật của bài báo, phóng viên buộc phải dẫn lời những người khác trong dàn lãnh đạo.
Không chỉ kiệm lời với riêng FORBES, ông Lê Vỹ cũng chỉ xuất hiện trên báo chí trong các báo cáo khô khan của PTB, chứ không có những cuộc phỏng vấn, tranh luận hay chia sẻ kinh nghiệm về kinh doanh.
Cách đây 09 năm, khi VNExpress bắt đầu Xếp hạng người giàu trên TTCK, đã có một loạt bài báo về vị doanh nhân đứng đầu Bảng Xếp hạng năm 2008 như “Người VN đầu tiên sở hữu phi cơ riêng” , “Người giàu nhất sàn chứng khoán”…
Bản thân vị đại gia này cũng chẳng ngại ngần nói rằng mình là người nổi tiếng, một đại gia giàu có theo đúng nghĩa, VNExpress dẫn lời ông này:
“Tôi cho rằng với số lượng cổ phiếu mà mình nắm giữ tại tập đoàn thì tôi sẽ là người giàu có nhất nhì trên thị trường chứng khoán”
Ông là Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Vẻ ngoài điềm đạm, khiêm tốn nhưng đi kèm là một ý chí sắt đá, quyết tâm xác định lại những giá trị kinh doanh cốt lõi, bất chấp thái độ hoài nghi của phố Wall… là hình ảnh của một Nhà lãnh đạo cấp độ 5 mà tác giả Jim Collins đề cập trong cuốn “Từ tốt đến vĩ đại”.
Đừng bị vẻ bề ngoài khiêm tốn đánh lừa cảm quan của Bạn về những vị lãnh đạo kiểu này. Bởi họ có sự kiên định lớn lao, và một quyết tâm không thể lay chuyển trong việc đưa doanh nghiệp tiến lên. Cái họ khao khát là cống hiến cho tổ chức, chứ không phải là danh lợi hay những hào quang cho bản thân.
Cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” là quà tặng mà chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tặng cho các quản lý cấp trung của tập đoàn.
Đại tá Lê Vỹ – là một người như bước từ trong cuốn sách này ra đời thực, một ví dụ sống động cho giới doanh chủ tại Việt Nam.
Nhưng tham vọng
Thời thế thế thời ,song nếu chú ý những lãnh đạo của các doanh nghiệp mà DaucoTichtru đang tư vấn: bà Cao Thị Ngọc Dung (PNJ), ông Hồ Xuân Năng (VCS) và ông Lê Vỹ (PTB), thì họ đều gặp nhau ở nhiều điểm chung, trong đó có sự “Khiêm tốn”.
Họ là những người gắn bó với Doanh nghiệp từ thuở ban đầu, một tay gây dựng nên cơ nghiệp như ngày nay. Những sóng gió thử thách khốc liệt buổi ban đầu, các cuộc khủng hoảng kinh tế, làn sóng đầu tư vào Ngân hàng – Bất động sản của toàn xã hội… đấy là chưa kể chính sách của Nhà nước còn thay đổi liên tục.
Bao nhiêu rủi ro rình rập như vậy, nên kinh doanh kiếm tiền đâu phải việc dễ dàng. Có trải nghiệm, thấu hiểu việc kinh doanh không phải đơn giản là “tăng tốc khi đường thẳng” mà còn phải “giảm ga khi vào cua”, nên họ “Khiêm tốn”. Khiêm tốn không chỉ có trong gene tính cách, mà nó là kết quả của sự trải nghiệm, trưởng thành.
Nhưng KHIÊM TỐN không đồng nghĩa với tự ti, ủy mị. Mà ngược lại, họ là những con người có ý chí sắt đá, quyết liệt và rất THAM VỌNG.
Ông Lê Vỹ, 59 tuổi, có 30 năm quản lý kinh tế. Năm 2000 ông được điều động về làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sau khi sáp nhập ba mảng gỗ, đá và phân phối ô tô. Năm 2005, sau cổ phần hóa, ông Vỹ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước này, và “dọn dẹp sạch sẽ các tổ chức thành viên nhỏ lẻ hoạt động không hiệu quả”.
Các quyết định đầu tư của ông Lê Vỹ có tầm nhìn dài hạn, “chớp thời cơ đầu tư đồng bộ từ đầu vào, thị trường đầu ra, xây dựng nhà máy, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng làm nền tảng cho công ty bật lên khi kinh tế thuận lợi.”.
Khi đọc bài báo của FORBES, DaucoTichtru ấn tượng ở ông Lê vỹ hai điểm trong tư duy quản trị:
Thứ nhất, ông Vỹ giao quyền quản lý cho người đứng đầu từng ngành. Như trong mảng đá, ông giao cho ông Lê Văn Thảo. Ông Thảo có hai thập niên hoạt động trong ngành khai thác đá, ông là chủ nhân của công thức 100 ngày nổi tiếng, tức là khoảng thời gian từ khi nhận đất đến xây dựng nhà máy và đưa vào vận hành, mang về doanh thu lợi nhuận luôn là 100 ngày.
Thứ hai là tính kỷ luật, ý chí trong điều hành. PTB luôn có hai kế hoạch. Một kế hoạch trình trước Đại hội cổ đông, và một kế hoạch khác cao hơn 20% dành cho dàn lãnh đạo. Chỉ khi hoàn thành kế hoạch thứ hai thì ban lãnh đạo mới có thưởng.
Nhưng điều DaucoTichtru tâm đắc nhất về ông Lê Vỹ không phải là thành tích từ những việc ông đã LÀM, mà ở quyết định việc ông KHÔNG LÀM. Cách đây mấy năm, trong cơn sốt bất động sản, các Ngân hàng tại Bình Định đã gợi ý Phú Tài (khách hàng lớn được xếp hạng A+ của họ) tham gia đầu tư bất động sản. Nhưng ông Lê Vỹ từ chối, với lý do: “Không làm cái gì mình không biết”.
Đây không phải là tư tưởng gì đột phá, không phải là tư tưởng “phát minh lại bánh xe” mà nó là điều được dạy hàng ngày trong các trường kinh doanh, và lịch sử không thiếu những tấm gương đã trả giá vì sự “đa dạng hóa” của mình.
Nhưng trong bối cảnh của Việt Nam những năm trước, và nhìn vào các tấm gương đã sa lầy: Tập đoàn tư nhân như Hoàng anh Gia Lai, Kinh Bắc, Mai Linh… có; Tập đoàn Nhà nước như EVN, Dầu khí, Bảo hiểm… có; thậm chí đến một doanh nghiệp có lãnh đạo rất thận trọng như PNJ cũng có thời đầu tư vào Ngân hàng, Bất động sản… thì mới thấy quyết định KHÔNG LÀM CÁI GÌ MÌNH KHÔNG BIẾT của ông Lê Vỹ có giá trị thế nào.
Trong khóa học đầu tư chứng khoán của Chúng Tôi, phần Phân tích Ban lãnh đạo được đưa lên đầu tiên. Bởi một doanh nghiệp tốt, sẽ không thể chia sẻ lợi ích cho cổ đông, nếu có một lãnh đạo tồi. Bài học ở APC, GIL, hay KBC, HAG, TTF là những bài học quá đau đớn cho việc bỏ qua phân tích lãnh đạo.
Tìm hiểu & Đăng ký Khóa học đầu tư
Thời gian tới, CTCP Phú Tài (PTB) chắc chắn sẽ tăng trưởng đều đặn dưới sự chèo lái của đại tá Lê Vỹ. Thành tích của PTB tốt ở chỗ, doanh nghiệp liên tiếp mở rộng năng lực sản xuất (ngành đá, gỗ) cả về chiều rộng và chiều sâu; tạo động lực tăng trưởng khá chắc chắn trong tương lai.
Mà việc tăng trưởng này, đều đến từ việc tái đầu tư lợi nhuận, chứ không cần huy động thêm vốn từ cổ đông.
Lãnh đạo giỏi là người biết sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, mang lại sự giàu có cho cổ đông trong tương lai dài hạn.