Khi bước vào đầu tư, hãy chuẩn bị một tâm thái khiêm tốn vì thị trường không hề biết đến những địa vị, chức tước, danh phận của bạn. Bạn chắc chắn sẽ gặp sai lầm trong đầu tư chứng khoán và trả học phí cho nó.
80% NĐT cá nhân sẽ thua lỗ. Đối diện với những sai lầm, học hỏi từ nó để đúc rút ra kinh nghiệm, đấy là con đường duy nhất để lọt vào 20% người chiến thắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ “may mắn” để bước tiếp, vì “học phí” họ trả cho thất bại từ đầu tư là quá lớn, nên nếu bạn học được kinh nghiệm từ sai lầm của người khác, đây là điều may mắn.
Có nhiều sai lầm trong đầu tư chứng khoán, Đội ngũ Tichtru trong bài viết này không thống kê các sai lầm theo dạng “tiểu tiết” giao dịch; mà chúng tôi điểm lại các sai lầm rất căn bản mà nhiều NĐT vấp phải.
“Hãy học từ sai lầm của người khác. Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm.” – Groucho Marx
Không biết lựa chọn con đường đúng đắn ngay từ đầu
Đa số NĐT cá nhân vồ vập vào chứng khoán với ý nghĩ đây là kênh “dễ, nhanh kiếm tiền”. Tâm lý “làm giàu nhanh” này được nhiều CTCK, “cao thủ mạng” động viên, khuyến khích bởi rất nhiều “chiêu thức làm giàu”, “mô hình kỹ thuật giá” hiệu quả trong ngắn hạn (!?).
Vì vậy, NĐT mua-bán cổ phiếu chỉ vì đơn giản là cổ phiếu “có mô hình tăng giá”. Họ không hiểu những điều cơ bản nhất như cổ phiếu là gì, cổ phiếu của DN mình mua có những đặc điểm gì, tiềm năng của doanh nghiệp như thế nào…vv Câu hỏi quen miệng của họ là “hôm nay mua gì, bán gì”. Họ muốn hái ngọn mà không muốn chăm bón gốc.
Và hầu hết (gần 100%) số NĐT này sẽ rời bỏ thị trường khi thua lỗ nặng, sau một đợt điều chỉnh, thanh lọc của thị trường!
Một lớp NĐT khác, cầu tiến, chăm học hỏi, nhưng lại chọn “sai” con đường khi bập vào các trường phái phân tích cổ điển như Elliott, Ichimoku, Harmonic… Do quán tính thói quen, con người thường có ấn tượng mạnh khó phai với phương pháp đầu tiên họ được tiếp cận; nên việc thay đổi phương pháp không hề dễ dàng. Chưa kể, các CTCK cũng thường hay sử dụng các phương pháp này trong bản tin hàng ngày, nên càng khiến NĐT tin tưởng vào sự hiệu quả của nó.
Chỉ có một sự thật mà ít ai để ý, chưa hề có NĐT thành công nổi tiếng nào nhờ vào việc sử dụng Thuyết Thị trường hiệu quả, Elliott, Harmonic, hay Ichimoku…
Song nếu 2 lớp NĐT kể trên mất 1 đồng từ sai lầm của mình; thì lớp NĐT thứ 3, có thể mất đến 10 đồng. Sai lầm trong đầu tư chứng khoán kiểu này là nguy hiểm nhất!
Lớp NĐT này, họ là những người có kiến thức về đầu tư, đọc hiểu Báo cáo tài chính… tự nhận là theo con đường đầu tư dài hạn; song lại không phân biệt rõ được “vị thế” của bản thân khác hoàn toàn so với Warren Buffett. Trên TTCK Việt Nam, không thiếu những thương vụ “chết nặng” vì tin tưởng thái quá vào năng lực đầu tư dài hạn, hay tài năng đọc báo cáo tài chính của mình; như SKG 2016, APC 2018…vv
Thấu hiểu các phương pháp đầu tư, biết lựa chọn phương pháp đúng đắn, phù hợp với vị thế cá nhân là điều đầu tiên cần tìm hiểu trước khi đầu tư chứng khoán!
Học đầu tư chắp vá, không có hệ thống
Rất nhiều NĐT chứng khoán coi thường việc tham gia các khóa học đầu tư, vì cho rằng không gì bằng chinh chiến thực tế. Tất nhiên, việc đầu tư thực tế và rút ra kinh nghiệm cho bản thân vẫn là con đường quan trọng nhất! Nhưng sẽ thật là nguy hiểm nếu nhà đầu tư không có kiến thức nền, học hành chắp vá, thành ra không có một định hướng rõ ràng, đúng đắn ngay từ đầu.
Warren Buffett – NĐT vĩ đại nhất trong thời đại của Chúng ta – cũng gian nan trên con đường đầu tư. Ông theo phương pháp của Graham – đầu tư giá trị cổ điển – gần 30 năm; phải đến khi ông 58 tuổi, với thương vụ đầu tư vào Cocacola (năm 1988), ông mới chính thức giũ bỏ được những sai lầm cố hữu trong phương pháp của Graham để “tiến hóa” hơn trong đầu tư.
Bạn cũng có thể mất đến 30 năm mò mẫm, để rút ra được những kinh nghiệm quý giá như của cụ Buffett. Nhưng 30 năm thì hơi lâu nhỉ?
Chưa kể “học phí bằng tiền” cho những sai lầm cũng không phải ít, đó có thể là một gia tài. Nhiều NĐT năm 2008-2010, vấp phải sai lầm và trả học phí quá lớn, đến mức không còn cơ hội sửa sai.
Nhiều khi chúng ta cứ cố “phát minh lại bánh xe” là thế (!?).
Tham gia khóa học đầu tư là cách “tiết kiệm nhất” để bạn tránh được các sai lầm mà người mới hay mắc phải; đồng thời biết được những kinh nghiệm quý giá của những NĐT thành công.
Bạn sẽ không thành công ngay sau khóa học đâu; nhưng bạn sẽ rút ngắn được thời gian và học phí của mình.
Chúng ta được ngồi trong bóng râm vì đã có những người trồng cây từ trước”.
Warren Buffett
Sa đà vào tiểu tiết, chưa có góc nhìn tổng quát
Không ít NĐT cá nhân vẫn “thần tượng” và coi trọng quá Báo cáo tài chính. Họ đi săm soi xem Hàng tồn kho quý này tồn nhiều hay ít, họ xem doanh nghiệp có giấu lỗ, giấu lãi ở đâu không; và với vài phép cộng trừ nhân chia, họ cho rằng có thể dự báo khá chính xác doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp trong quý tới, năm tới.
Sa đà vào tiểu tiết, rất nhiều NĐT bán đi cổ phiếu kim cương của mình chỉ vì KQKD quý này có trồi sụt một chút, hay vì những lý do rất nhỏ nhặt.
Cách đây 5 năm, khi trao đổi với một NĐT về Thế giới di động (MWG), Chúng Tôi liên tục được NĐT này hỏi về cách quản trị hàng tồn kho của MWG. Điện thoại, máy tính là một mặt hàng sẽ xuống giá sau khoảng 6 tháng. Làm thế nào MWG quản trị được rủi ro mất giá này? NĐT muốn biết phương pháp của MWG, trước khi đầu tư (!?)
Câu chuyện này năm 2020 lặp lại, ở một hình thái khác. Chúng Tôi nhận được nhiều câu hỏi của NĐT về Bách hóa xanh. Làm thế nào MWG giảm được tỷ lệ hư hỏng của hàng hóa tươi sống trong ngày (thịt, cá, tôm, hải sản…) xuống mức thấp nhất?
Chúng Tôi không biết! Chúng Tôi cũng tin rằng các lãnh đạo cấp cao của MWG – như anh Nguyễn Đức Tài – cũng chỉ hiểu sơ sơ về giải pháp của hệ thống. Bởi nếu anh Tài phải xử lý những việc như vậy, thì anh đã không cần thuê nhân viên, và MWG cũng không thể phát triển rộng lớn như ngày nay!
Biết được vị trí của mình, từ đó biết được mình cần làm gì, và không cần phải làm gì.
Vingroup, thời gian đầu cũng có 200 nhân viên sale để bán các căn hộ Vinhome. Sau đó, họ biết rằng họ đang làm sai, vì 200 nhân viên thì lấy sức đâu mà bán đến 10.000 căn hộ trong một năm? Họ giải tán đội sale, và thuê các đại lý (ở bên ngoài) để bán hàng. Họ hiểu với vị thế của một nhà sản xuất, họ chỉ bán buôn, không bán lẻ.
Giống như vậy, bạn phải luôn nhớ rằng mình là một Nhà đầu tư; không phải Kiểm toán viên, không phải giám đốc hàng tồn kho, giám đốc bán hàng… của doanh nghiệp.
Chúng Ta chỉ quan tâm đến việc “đề bài lớn” mà doanh nghiệp đang giải quyết đã hiệu quả chưa, cách giải quyết của doanh nghiệp có tốt không, bền vững không.
Bạn chỉ sử dụng Báo cáo tài chính để “hậu kiểm” lại các luận điểm đầu tư của mình. Đừng thần thánh nó! Nên nhớ, là một NĐT, cần có góc nhìn tổng quát, hệ thống về doanh nghiệp, tránh sa đà vào các tiểu tiết không quan trọng và hoàn toàn lệch hướng.
Tổng kết
Sai lầm là điều may mắn trong đầu tư, mỗi một sai lầm là một cơ hội để bạn bắt đầu lại nhưng với cách tiếp cận thông minh hơn. Warren Buffett, phải đến năm gần 60 tuổi mới định hình được phương pháp như hiện nay, trước đó ông cũng phải trả giá rất nhiều cho các sai lầm của mình.
Điều may mắn của Chúng Ta là được đi sau, được học hỏi sai lầm từ người khác, nhất là của những NĐT thành công. Nên hãy cởi mở với sai lầm, đừng nản chí, đừng ủ ê bỏ cuộc trên con đường đầu tư.
1 bình luận
[…] 3 sai lầm trong đầu tư chứng khoán nguy hiểm nhất […]
Comments are closed.